Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Lấp “kẽ hở” về tội phạm kinh tế
Ảnh minh họa |
Cụ thể hóa tội danh trong quản lý kinh tế
Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về việc thay thế Điều 165 BLHS hiện hành theo hướng bỏ “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” để thay thế bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc thay đổi này vừa cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh; tránh tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phù hợp với thực tế.
Trên cơ sở cân nhắc kết quả tổng kết thực tiễn xét xử về “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” những năm qua, đồng thời rà soát quy định của các luật chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, UBTVQH dự kiến thay thế Điều 165 BLHS hiện hành bằng 6 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: Đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; kế toán; quản lý thuế; xây dựng.
Trước đó, góp ý vào Dự thảo BLHS, theo nhiều chuyên gia trong ngành pháp lý, việc duy trì tội danh như hiện nay gây ra áp lực không lành mạnh; triệt tiêu tính tự chủ, sáng tạo, năng động của những cán bộ, doanh nhân, người làm kinh tế. Hơn nữa, đây là “kẽ hở” pháp lý vì dễ bị hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự hoặc dẫn đến oan sai.
Bổ sung tội danh mới
Ngoài số tội mới thay thế Điều 165 như trên, theo UBTVQH, đa số ý kiến góp ý tán thành việc bổ sung các tội mới nhằm xử lý hình sự đối với hành vi: Gây lãng phí tài sản nhà nước; xâm phạm chế độ hôn nhân; hành vi mua chuộc, đe dọa người làm chứng trong tố tụng...
Trên cơ sở đó, UBTVQH điều chỉnh các tội danh mới dự kiến bổ sung vào dự thảo. Cụ thể: Đối với trường hợp người có chức vụ, quyền hạn gây lãng phí tài sản nhà nước, dự thảo Bộ luật bổ sung “Tội sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý hành vi này.
Về quy định cụ thể tình tiết định tính, định lượng trong điều luật, nhiều ý kiến đề nghị trong lần sửa đổi này, các tình tiết như: “Gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “tài sản có giá trị lớn”, “tài sản có giá trị rất lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”… cần xác định rõ ngay các điều luật.
Theo dự kiến, BLHS (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và bỏ phiếu thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, khai mạc cuối tháng 10/2015. |