Chỉ đạo và tham dự phiên giải trình có: Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, cùng đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, các sở, ban, ngành của thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và một số xã, phường liên quan. Theo đó, các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên đã báo cáo, giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của UBND TP về thực hiện công tác ATTP thời gian qua và thẳng thắn chia sẻ về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm đi kèm; đồng thời, tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội |
Nhiều nội dung quan trọng đã được nêu ra và tháo gỡ
Chia sẻ về lý do Thường trực HĐND TP lựa chọn nội dung việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội để yêu cầu UBND TP và các cơ quan liên quan giải trình, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã cho biết: Thứ nhất, TP. Hà Nội hiện có trên 70 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công; 454 chợ, 120 siêu thị, 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của thành phố mới chỉ đạt khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh lân cận và các nguồn khác, vì vậy, việc quản lý ATTP cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy và người dân thành phố, trong đó có khâu sản xuất, tiêu dùng và lưu thông. Vì vậy, ATTP là một trong những vấn đề thành phố đặc biệt quan tâm, là vấn đề có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Lý do thứ hai, Thường trực HĐND TP nhận thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Thành ủy, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra gây lo ngại, bức xúc cho nhân dân.
Thứ ba, đây là nội dung cử tri hết sức quan tâm và tập trung nhiều ý kiến trong các kỳ tiếp xúc cử tri của HĐND TP và Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Đây là nội dung được cử tri hết sức quan tâm trong các kỳ họp HĐND. Thường trực HĐND thành phố tổ chức phiên chất vấn này với mục đích đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện ATTP, các quy định của pháp luật về ATTP, từ đó xác định trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đồng thời đề xuất các biện pháp trong việc bảo đảm ATTP thời gian tới”.
Tại phiên họp, Thường trực HĐND TP đề nghị các đại biểu HĐND TP bám sát mục đích, yêu cầu của phiên giải trình, tham gia phiên giải trình với tinh thần trách nhiệm xây dựng, thẳng thắn; đề nghị UBND TP, sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường và các đơn vị liên quan khi được đại biểu đặt câu hỏi cần giải trình rõ, thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, làm rõ trách nhiệm, có lộ trình, có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Trước đó, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 năm 2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ATTP trong tình hình mới trên địa bàn TP và tại các kỳ họp thứ 3, 4 HĐND TP khóa XV.
Triệt để giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình |
Có thể nói, thời gian qua tình trạng vi phạm ATTP đã diễn hết sức phức tạp, gây ra sự lo ngại, bức xúc cho nhân dân. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận vẫn còn tồn tại việc thực phẩm không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, mặc dù công tác ATTP được sự quan tâm rất lớn của TP. Hiện nay, công tác phân cấp quản lý tương đối rõ, trong đó việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được Sở Công Thương đã có đề án triển khai, nhiều tiến bộ.
Đại diện ngành Y tế cũng khẳng định: Thời gian tới, ngành Y tế sẽ phối hợp tiếp tục quản lý, nâng cao tuyên truyền đến các cấp, các ngành, nhất là người kinh doanh, chế biến có trách nhiệm với sản phẩm của mình; khuyến khích người dân phát hiện, tố giác những cơ sở không bảo đảm ATTP đến chính quyền các cấp.
Ngoài ra, các vấn đề nổi cộm thời gian qua như: Chất lượng bếp ăn tập thể (đại biểu Nguyễn Minh Đức - Tổ Thanh Xuân); Trách nhiệm và phương án xử lý các các cơ sở nước uống đóng chai, nước đá sử dụng nước giếng khoan không có kiểm định - Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai); Việc Thủ đô Hà Nội liệu có thể trở thành Thủ đô ẩm thực hay không?... cũng đã được được người đứng đầu ngành Y tế Thủ đô tiếp nhận.
Sau khi nghe những kiến nghị từ các đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh: Những hạn chế trên là trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và cơ quan ngành y tế. Với những hạn chế trên, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cung ứng; tăng cường lý chặt chẽ, kiểm tra, giám sát, kiên quyết đóng cửa cơ sở không đảm bảo; công khai rộng rãi những cơ sở không đạt yêu cầu...
Liên quan đến vấn đề quản lý ATTP trong chợ truyền thống, sản phẩm hết hạn trong siêu thị, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng thừa nhận: Ở các trung tâm thương mại, siêu thị vẫn có hiện tượng sản phẩm có nguồn gốc chưa bảo đảm. Hiện nay, hệ thống phân phối trên địa bàn có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1.000 của hàng tiện ích, trong giấy phép kinh doanh được cấp, đã có quy định cơ sở phải có giấy truy rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra mà cơ sở nào không trình được giấy truy rõ nguồn gốc sản phẩm thì sẽ bị xử phạt.
Tuy nhiên, thực tế việc kiểm tra nguồc gốc xuất xứ sản phẩm chưa làm được như mong muốn. Người tiêu dùng cần lưu ý khi mua sản phẩm cần quan tâm đến hạn sử dụng của sản phẩm ghi trên bao bì trước khi mua, đồng chí Lê Hồng Thăng cho biết thêm.
Ngoài các vấn đề nêu trên, các nội dung liên quan đến việc tăng cường kiểm tra thức ăn đường phố, việc kiểm soát được các điểm giết mổ nhỏ lẻ, hiệu quả của công tác thanh tra chuyên ngành về ATTP... cũng được các đại biểu đưa ra và làm rõ.
Tổng kết phiên họp, đã có 15 lượt ý kiến đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu gửi câu hỏi để UBND thành phố trả lời. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã có báo cáo giải trình rõ hơn trong một số nội dung về việc quản lý ATTP; việc quản lý khâu giết mổ nhỏ lẻ; xử lý những rủi ro lan rộng trên địa bàn thành phố… Chủ tịch UBND thành phố cũng nêu một số giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố.
“Để thực hiện tốt việc quản lý này, thành phố rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri và nhân dân Thủ đô. Người dân cần tự nâng cao ý thức hơn trong việc sử dụng thực phẩm trên địa bàn, nâng cao công tác giám sát, phát hiện để cùng thành phố thực hiện tốt việc quản lý ATTP”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Thường trực HĐND thành phố hoan nghênh UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo công tác tổ chức phiên giải trình và ý kiến tiếp thu thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP. Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị rà soát lại tất cả đề án, quy hoạch, kế hoạch đã được ban hành khi triển khai Chỉ thị số 10-CT/TU. Bên cạnh đó, rà soát lại mối quan hệ giữa các sở, ngành trong giải quyết công việc theo văn bản chỉ đạo của trung ương để đổi mới cách kiểm tra nhằm tăng phát hiện vi phạm; đưa ra những đề xuất xử lý nghiêm hơn những cơ sở vi phạm. Sau phiên giải trình, HĐND TP sẽ tái giám sát vấn đề này với mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe cộng đồng và đem lại sự yên tâm cho người dân Thủ đô.