Phát triển thị trường nước ngoài: Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Các đại diện sở ban ngành góp ý kiến cho đề án.
Theo ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, những năm gần đây, xuất khẩu (XK) trở thành nhân tố trọng tâm trong phát triển kinh tế Việt Nam. Cụ thể, nếu năm 1986 XK mới chỉ chiếm 14,7% thì sau 10 năm tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi, đạt 26,2%. Năm 2013 đóng góp của XK đã là 77% GDP, nhiều khả năng mức đóng góp này trong các năm tiếp theo vẫn chiếm tỷ lệ cao và có thể tăng hơn nữa.
Tuy nhiên, hiện nay kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng đến XK, đồng thời xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng trên thế giới, gây ra khó khăn cho các DN XK của Việt Nam trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác. Do đó, Bộ Công Thương đưa ra đề án phát triển thị trường nước ngoài với mục tiêu đến năm 2020, thị trường châu Á – Thái Bình Dương là trọng điểm với tỉ trọng khoảng 46%, tiếp theo là châu Mỹ khoảng 25%, châu Âu 20%, châu Đại Dương 4% và châu Phi khoảng 5%. Cụ thể từng thị trường đến năm 2020 như sau: Thị trường Đông Nam Á đạt kim ngạch khoảng 31 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014- 2010 là 10%; thị trường Đông Bắc Á 46 tỷ USD, tăng trưởng 11%; thị trường tiếng Trung tốc độ tăng 10%; thị trường Mỹ và Canada đạt 70 tỉ USD, tăng 15%; thị trường châu Âu đạt 58 tỉ USD tăng 15%...
Đóng góp ý kiến về đề án, ông Trần Vinh Nhung - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, đề án cần phải quan tâm đến chính sách hỗ trợ DN vì hội nhập dù mang tới nhiều cơ hội nhưng song hành đó là thách thức. Trong hoạt động XK, DN FDI luôn chiếm vị trí dẫn đầu, họ chủ động về mọi thứ còn DN Việt Nam lại yếu và thiếu trong nhiều mặt, do vậy Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho DN Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam thì kiến nghị, trong cơ cấu ngành hàng phát triển trọng tâm XK nên bổ sung ngành hàng cao su, nguyên liệu cao su và sản phẩm cao su đồng thời phải có phải có chính sách liên quan đến thể chế, cơ chế hỗ trợ về các chương trình XTTM cho DN tham gia.
“Hiện nay sức cạnh tranh của DN không cao, khó có thể cạnh tranh với DN FDI do đó đề án phải triển khai nhanh để tháo gỡ khó khăn cho DN, quan trọng nhất là phải có một ngân hàng thực sự phục vụ hoạt động XNK bởi vốn cho DN hiện rất khó” – đại diện Hiệp hội Cao su nhấn mạnh. Cũng theo đại diện này, XK cao su nhiều năm nay liên tục gặp các vướng mắc về thuế, ảnh hưởng đến kim ngạch XK. Do vậy, đề án phải nêu rõ cụ thể các chính sách thuế cho DN hưởng lợi.
Bà Trần Thị Chí Linh, đại diện Hiệp hội DN TP.HCM cho rằng, ở các nước trên thế giới, các hiệp hội của họ đều có quỹ của Chính phủ đầu tư để khảo sát thị trường. Bộ Công Thương nên nghiên cứu những chính sách này để hỗ trợ cho các hiệp hội tại Việt Nam, giúp họ tổ chức được các hoạt động khảo sát nắm sát nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh XK.
Còn theo Tổng công ty Lương thực miền Nam, đề án cần có quy định về đội ngũ cung cấp thông tin cho DN, tập quán, văn hóa, nhu cầu từng năm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Thực tế hiện nay, nguồn thông tin cung cấp cho DN hỗn loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động XK của các DN.