Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, bền vững hơn
Tăng trưởng mạnh mẽ
Diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, cho thấy, chỉ số VN - Index tăng rất mạnh, thuộc diện cao nhất trên thế giới. Cụ thể, VN-Index đã tăng 15,8%, trong khi đó, chỉ số tương tự này tại các thị trường chứng khoán của các nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, châu Âu cũng chỉ tăng khoảng 11%; châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) cũng chỉ tăng 3,2%; thậm chí, thị trường chứng khoán Đông Nam Á đã bị giảm 2,9%.
Tính đến ngày 30/6/2021, chỉ số VN-Index đã tăng đạt 1.408,55 điểm, tăng 26% so với cuối năm 2020 (cả năm 2020 tăng 14,9%). Thanh khoản thị trường đã tăng từ 16.725 tỷ đồng/phiên trong tháng 2, lên mức 25.037 tỷ đồng/phiên đầu tháng 5, đạt 32.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 6/2021. Xu hướng thanh khoản tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, được dẫn dắt bởi sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tài khoản mở mới của các nhà đầu tư cá nhân.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), hiện Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Trong đó, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có tới 500.000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới. Đây là một con số cao kỷ lục, bởi số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới của cả năm 2020 cũng mới chỉ đạt khoảng 392.527 tài khoản.
Ảnh minh họa |
Thị trường sôi động, lượng margin (dịch vụ cho vay giao dịch ký quỹ) do các công ty chứng khoán thực hiện cũng gia tăng ở mức kỷ lục. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 6/2021, lượng margin các công ty chứng khoán thực hiện đã tăng hơn 30% so với cuối năm 2020, với tổng giá trị khoảng từ 110.000 - 115.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Với mặt bằng lãi suất ngân hàng như hiện nay, các chuyên gia dự báo, margin trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ còn tiếp tục tăng.
Một trong những yếu tố quan trọng đã giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng mạnh, đó là nhờ Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, triển vọng và khả năng hồi phục tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung của thế giới. Tiếp đến, lãi suất ngân hàng ở mức thấp, dòng tiền có xu hướng chuyển từ kênh gửi tiết kiệm vào kênh chứng khoán...
Giải pháp thúc đẩy
Dự báo triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối 2021, đại diện UBCKNN, cho rằng, sự vận động của thị trường chứng khoán sẽ không thể tách rời hoạt động của nền kinh tế- xã hội. Với sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động trong nửa cuối năm.
Số liệu phân tích của các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cho thấy, có hơn 70% các mã cổ phiếu trên sàn giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đạt lợi nhuận lớn hơn mức tăng trưởng của VN - Index trong thời gian qua. Đây là một tín hiệu tốt đối với thị trường chứng khoán hiện nay, bởi hiệu suất đầu tư là tương đối cao.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN, với qui mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, các công ty chứng khoán phải hết sức cẩn trọng cho vay margin. Cho vay margin là dịch vụ tốt, nhưng tiềm ẩn rủi ro. Khi thị trường diễn biến tăng điểm, việc cho vay margin là ổn, nhưng lúc thị trường diễn biến đi xuống, cho vay margin sẽ gây ra những hiệu ứng không tốt. Ông Sơn khuyến cáo, các công ty chứng khoán và nhà đầu tư phải cẩn trọng, bởi lượng margin hiện đã rất lớn.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, UBCKNN cho biết, sẽ triển khai, đó là tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ luật, kỷ cương của thị trường. Thông qua thanh tra, giám sát…, cơ quan quản lý sẽ nhận diện những vấn đề thực tiễn phát sinh để điều chỉnh khung pháp lý hoàn thiện hơn, giúp thị trường phát triển ổn định hơn và bền vững. UBCKNN sẽ quyết liệt kiểm tra hoạt động margin của các công ty chứng khoán.
UBCKNN sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện tái cấu trúc thị trường, dựa trên 4 trụ cột, bao gồm: Tái cấu trúc hàng hoá; tái cấu trúc nhà đầu tư; tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán; tái cấu trúc sở giao dịch chứng khoán. Hiện UBCKNN đang đánh giá lại quá trình phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2010-2020, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phát triển trong giai đoạn mới theo hướng hiệu quả, công khai, minh bạch, ổn định và bền vững, tiếp cận với những thông lệ quốc tế. Ông Phạm Hồng Sơn, cho biết, UBCKNN mong muốn lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của các bên có liên quan, các thành viên thị trường, nhà đầu tư… để hoàn thiện, đưa ra được những giải pháp thiết thực, phù hợp nhất.