Lai Châu: Tập huấn miễn phí kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp Tây Bắc phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet |
Nhiều chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi
Thông tin tại Tọa đàm Phát triển thị trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 20/9 cho thấy, Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển thị trường, tạo ra nền tảng căn bản cho sản xuất sản phẩm, hàng hóa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tọa đàm Phát triển thị trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Những năm gần đây, thông qua các hoạt động “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và phát triển sản xuất, tiêu thụ cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn vừa qua đã có những bước tiến quan trọng trong việc thương mại hóa và đưa những sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vào với các kênh phân phối tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo đó, về các chính sách, Bộ Công Thương đã có những giải pháp cũng như Chương trình để triển khai các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Giai đoạn trước năm 2019 là các Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình Khuyến công, Chương trình Đưa hàng hóa, thực phẩm an toàn vào các kênh phân phối… Nhiều đề án, chương trình khác cũng dành một lượng không gian cũng như kinh phí cho các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số triển khai.
Đây chính là những giải pháp quan trọng để hỗ trợ đưa những hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, đến năm 2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt về Đề án phát triển tổng thể kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2030. Đây là văn kiện hết sức quan trọng mà Bộ Công Thương cùng với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành khác lên Chính phủ để phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn đến năm 2030.
Giai đoạn I từ 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1719 năm 2021. Trong đó, hai nhiệm vụ quan trọng đó là hướng dẫn cho các địa phương triển khai được hai nhiệm vụ: đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp được mạng lưới chợ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy thương mại hai chiều, đưa được hàng hóa lên với đồng bào dân tộc cũng như đưa hàng hóa của đồng bào dân tộc về khu vực trung tâm và các vùng miền có thị trường sôi động. Đồng thời, hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đưa hàng hóa đi xa hơn, tham gia vào thị trường trong nước.
Bộ Công Thương rất quan tâm đến việc tìm thị trường cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi |
Đây là bước tiến rất mạnh mẽ, là giải pháp đồng bộ khi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đều được phân công những nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng, để việc phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là trách nhiệm của các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số mà đây còn là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Làm sao để kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoàn toàn hòa nhập vào công cuộc đổi mới của đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, khi chúng ta đã ký đến 17 Hiệp định thương mại tự do và biến những sản phẩm cũng như là lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trở thành lợi thế cạnh tranh trong công cuộc mà Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng quốc tế.
“Những sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều lợi thế, tiềm năng, đậm đà bản sắc dân tộc và sự khác biệt với những sản phẩm, hàng hóa khác. Các sản phẩm đang được người tiêu dùng trong nước và được quốc tế quan tâm, cũng như đang hướng tới xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, đúng xu hướng mà thế giới hướng tới” – bà Lê Việt Nga nêu rõ.
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, thụ hưởng những chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương, đối với việc phát triển thị trường sản phẩm, tỉnh Lạng Sơn cũng đã quan tâm đến các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xúc tiến rồi tìm các đối tác để làm đầu ra cho sản phẩm.
Theo đó, Sở Công Thương Lạng Sơn đã triển khai rất nhiều các biện pháp phát triển thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, của tỉnh và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác, liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các chương trình phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ quảng bá, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm quốc tế cũng được tổ chức thường xuyên.
“Đặc biệt, theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như của tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Bằng Tường, Trung Quốc để tổ chức các Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung thường niên. Thông qua Hội chợ này, chúng tôi đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh trưng bày, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như tại thị trường Trung Quốc” – ông Nghĩa chia sẻ.
Qua đó, hiện tại tỉnh Lạng Sơn đã có trên 94 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ 3-4 sao, từ 79 chủ thể, trong đó có những sản phẩm hết sức đặc thù mang tính chất văn hoá cũng như đặc thù của địa phương, như là na Chi Lăng, hồng Vành Khuyên… được tiêu thụ rất tốt cả trong và ngoài tỉnh.
Đơn cử, hiện nay, các siêu thị như Coop mart, Hapro… đều dành nhiều diện tích để trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản miền núi. Nhiều sản phẩm miền núi như nông sản Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn… đã xuất khẩu thành công ra nước ngoài.
Giải bài toán vận chuyển
Phải khẳng định, các kênh bán lẻ đang dành ưu ái cho việc tiêu thụ nông sản miền núi. Song việc tiêu thụ này vẫn còn nhiều vấn đề. Ông Trần Hoàng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội phân tích, điểm yếu của nguồn nông sản này, thứ nhất, là vấn đề nguồn hàng và sản lượng. Theo đó, nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khu vực miền núi, đồng bào dân tộc chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vì vậy đôi khi lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn.
“Khi nhu cầu của khách hàng tăng cao, muốn đặt hàng thêm thì các nhà cung cấp sẽ khó mà đảm bảo được sản lượng. Do đó chúng tôi mong muốn là các nhà sản xuất sẽ chủ động hơn trong việc dự báo nhu cầu thị trường để có sản lượng phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng” – ông Hoàng chia sẻ.
Thứ hai là vấn đề vận chuyển. Đối với những hợp tác xã hoặc là các nhà sản xuất ở đồng bào dân tộc miền núi thì quá trình vận chuyển hàng hóa về những điểm giao hàng, về trung tâm và những điểm bán hàng của hệ thống đang còn khá là khó khăn, cung đường vận chuyển rất dài. Các sản phẩm của bà con chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp thì cần điều kiện bảo quản khá tốt.
Như vậy, đối với những sản phẩm mà có thời gian bảo quản lâu như đồ khô, măng, gạo… thì quá trình bảo quản được đảm bảo. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm như là rau lá, hoa quả như đào Sa Pa, na Lạng Sơn… thì khó hơn bởi thường rất nhanh hỏng hoặc chất lượng bị suy giảm.
“Do đó, chúng tôi mong là có sự hỗ trợ về công tác logistics, vận chuyển, hậu cần… của các nhà sản xuất, nhà cung ứng cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa để tránh việc sản phẩm ở khu vực có chất lượng tốt, rất ngon, nhưng khi đến được tay người tiêu dùng thì không còn được nguyên vẹn chất lượng như ban đầu” – ông Hoàng đề xuất. Đối với hệ thống siêu thị của Sài Gòn Co.op, với hơn 800 điểm bán nằm trải dài trên khắp cả nước, Sài Gòn Co.op luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa, hỗ trợ tốt nhất có thể để cho các sản phẩm đặc sản vùng miền này có thể tới tận tay người tiêu dùng trên khắp cả nước.