Phát triển nguồn nhân lực số: Lực đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - ông Đỗ Ngọc An - nhấn mạnh tại Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 17/11/2021 do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ, ngành có liên quan chủ trì chuyên môn phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, diễn giả đã đưa ra những hiến kế, đề xuất cách tiếp cận mới, những chính sách trọng tâm, cũng như khuyến nghị các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực số |
Nền tảng quan trọng
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 52.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai các chính sách có liên quan như: xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển nhân lực quốc gia; rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo, đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đề án chuyển đổi nghề và đào tạo kỹ năng số cho người lao động; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá số trong cộng đồng.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - ông Đỗ Ngọc An - nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ sở nền tảng, là điều kiện cơ bản để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và lao động có trình độ công nghệ cao. Đồng thời, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cung - cầu của thị trường lao động.
Trong những năm qua, thực hiện quan điểm và chủ trương của Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng, quan tâm. Các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản về phát triển nguồn nhân lực: Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức… Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Qua đó, nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - ông Đỗ Ngọc An - phát biểu tại hội thảo |
Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực số
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là một trong ba đột phát chiến lược cho giai đoạn 5 năm tới đây. Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá, công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cụ thể, ở bình diện quốc gia, mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công, không qua đào tạo; việc xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và bản lĩnh, có trình độ năng lực và chất lượng còn nhiều bất cập; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Sự kém phát triển, thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhận định về tác động của công nghệ đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Hoàng Minh Sơn - cho rằng, công nghệ đã làm biến đổi mọi yêu cầu, mọi phương pháp tiếp cận giáo dục và phát triển nhân lực. Vì vậy, “để thích ứng và bắt kịp với thời đại số, ngành giáo dục sẽ thay đổi trong quá trình phát triển nguồn nhân lực; đồng thời xác định đây là trọng tâm và chiến lược quan trọng để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục”- ông Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ về các thách thức mà cuộc cách mạng công nghệ đặt ra, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - ông Vũ Hải Quân - chỉ rõ, đó là tốc độ thay đổi công nghệ, lần này thay đổi theo số mũ, không còn theo tuyến tính như trước; xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến, như công nghệ 5G, giao tiếp mạng xã hội; xuất hiện câu hỏi mới như ảnh hưởng của con người trong quá trình phát triển công nghệ. Những thách thức trên làm xuất hiện 5 vấn đề cần quan tâm, đó là sự biến động của nghề nghiệp và vai trò của đại học; xác định đâu là kiến thức tối thiểu trong thế kỷ 21; liệu con người có đảo ngược được các quyết định của máy tính; sáng tạo và nuôi dưỡng sự sáng tạo; hành xử về những chuẩn mực về đạo đức, liệu máy tính có hiểu được không?
Đề cập về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu chuyển đổi thị trường lao động, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - bà Nguyễn Hồng Hà - cho hay, tiến bộ công nghệ và chuyển đổi theo hướng xanh sạch hơn sẽ mở ra những cơ hội, thay đổi tích cực nhưng đồng thời khiến thị trường lao động bị xáo trộn. Tuy nhiên, nhu cầu kỹ năng cho tương lai cần dựa vào phân tích thấu đáo hơn về những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới từng ngành kinh tế.
Do đó, bà Nguyễn Hồng Hà khuyến nghị, phát triển kỹ năng không phải là nhiệm vụ của riêng Chính phủ mà đó là trách nhiệm chung của tất cả các bên liên quan - những người có cùng mục tiêu tăng cường kỹ năng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam - bao gồm Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp. “Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần nhạy bén và có sức chống chịu hơn; bên cạnh đó cần trao quyền quyết định lớn hơn cho doanh nghiệp trong lập kế hoạch, triển khai đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần được trao quyền tự quyết lớn hơn; lấy người học làm trung tâm của giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng”, bà Hà đề xuất.