Bảo vệ quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội |
Thống kê từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến ngày 3/6/2022, có 16,74 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 193,8 nghìn người so với cuối năm 2021. Trong đó, số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là trên 1,3 triệu người, tăng 170,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Về bảo hiểm y tế, số tham gia là 86,258 triệu người, tăng 404,4 nghìn người so với tháng trước, giảm 2,578 triệu người so với cuối năm 2021, giảm 1,466 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Về công tác thu, lũy kế từ đầu năm, tổng số thu toàn ngành đạt khoảng 37,8% kế hoạch Chính phủ giao, tăng 2.382 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Ngành bảo hiểm xã hội thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 6/2022, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban quản lý Thu - Sổ thẻ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, dù số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng tích cực, tuy nhiên, do diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn ảnh hưởng đến công tác thu, phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, việc áp dụng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo chuẩn nghèo mới, cùng với những tác động của Quyết định 861/QĐ-TTg nên việc phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2021.
Trước các khó khăn, ông Dương Văn Hào đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực hơn nữa trong việc triển khai giao chỉ tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cấp xã; hiện mới chỉ có 30 địa phương thực hiện nội dung này. “Còn khoảng 17 triệu nhóm người tiềm năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; bảo hiểm xã hội các địa phương cần liên tục rà soát, cập nhật số liệu của nhóm này, trên cơ sở đó tiếp cận tuyên truyền để vận động tham gia” - ông Hào nói.
Thực tế, thời gian qua, theo ông Dương Văn Hào, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Trong đó, quan trọng nhất là quy chế mới quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được ban hành theo Quyết định số 1155/QĐ-BHXH ngày 12/5/2022.
Ông Dương Văn Hào nhấn mạnh, việc thực hiện chấm dứt, thanh lý hợp đồng và ký hợp đồng ủy quyền mới cần thực hiện có tính liên tục, tránh gián đoạn về mặt thời gian. Xây dựng kế hoạch chi tiết, làm việc cụ thể với các tổ chức dịch vụ đã ký hợp đồng ủy quyền về việc tiếp nhận nhân viên thu của các tổ chức không đủ điều kiện để tiếp tục ký hợp đồng ủy quyền. "Đề nghị các tổ chức lập và xác nhận danh sách nhân viên nhận chuyển giao; xây dựng quy chế chi trả thù lao chi phí thu đối với những nhân viên này để tránh tranh chấp trong quá trình tổ chức thực hiện"- ông Hào cho hay.
Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Giang - bà Nguyễn Thị Thu Huyền khẳng định quyết tâm triển khai các nội dung quy định mới một cách hiệu quả. Trong đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tham mưu để tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chỉ đạo nội dung này, đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường thị trấn, các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn để đảm bảo quá trình chuyển giao nhịp nhàng.
Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Tiếu cũng cho biết, sẽ cố gắng chuyển giao nhóm nhân viên đại lý thu ở phường, xã, thị trấn tiếp tục hoạt động, cộng tác với các tổ chức dịch vụ. Đây là nhóm đã được cơ quan bảo hiểm xã hội dày công đào tạo, có thâm niên kinh nghiệm do đó cần phát huy nguồn nhân lực này.
Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải tập trung, quyết liệt hơn nữa với các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế |
Tuy nhiên, để công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt hiệu quả, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mến đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện quá trình chuyển tiếp giữa quy chế cũ và mới.
“Tại TP. Hồ Chí Minh có hơn 300 đại lý thu của phường, xã trên tổng số khoảng 500 đại lý thu, do đó quá trình chuẩn bị chuyển tiếp cần nhiều thời gian hơn, kỹ lưỡng hơn. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ báo cáo thành ủy, UBND thành phố, có sự chỉ đạo chung với UBND các quận, huyện, thành phố trên địa bàn, từ đó đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ khi triển khai. Ngoài ra, sẽ chủ động làm việc với các tổ chức dịch vụ thu (bao gồm bưu điện, Viettel, PVI) để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể”- ông Mến nói.
Nhấn mạnh các mục tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải tập trung, quyết liệt hơn nữa với các giải pháp.
Theo đó, về bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo ông Trần Đình Liệu cơ quan bảo hiểm xã hội phải tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn, vừa phổ biến vừa hướng dẫn, tập huấn triển khai về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nhấn mạnh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp. “Trong 3 tháng phải cố gắng triển khai đến phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn. Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ cần sớm kế hoạch, hướng dẫn nội dung ngay để bảo hiểm xã hội các tỉnh triển khai”- ông Liệu yêu cầu.
Với nhóm tự nguyện, bảo hiểm xã hội tỉnh phải đẩy mạnh tổ chức hội nghị khách hàng theo các chỉ tiêu được giao, bám sát hướng dẫn quy trình tổ chức đã được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành. Đối với bảo hiểm y tế, phải rà soát kỹ các nhóm đối tượng, trên cơ sở đó có phương án với từng nhóm, nhất là với các nhóm có số lượng giảm trên 50.000 người trở lên.
Đồng thời, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải cố gắng tham mưu để huy động nguồn hỗ trợ tham gia từ ngân sách địa phương, gắn với quá trình triển khai thực hiện giao chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về tổ chức dịch vụ thu, ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh, điều kiện quan trọng nhất là phải có sự bảo lãnh từ ngân hàng đều có thể tham gia ký hợp đồng thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. “Trên tinh thần này, ngừng ký hợp đồng với các tổ chức không đảm bảo đủ điều kiện, đồng thời mở rộng hơn nữa hệ thống tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn; tích cực bồi dưỡng đào tạo để tăng số lượng nhân viên thu”- ông Liệu đề nghị.