Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Tuyệt đối không để phát sinh thêm thủ tục hỗ trợ tiền thuê nhà Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội đổi mới chuyên nghiệp, hiệu quả |
Tăng cường tuyên truyền chính sách
Với ý nghĩa, vai trò của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời gian qua để người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cũng như thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, các cấp công đoàn thường xuyên cập nhật các tài liệu tuyên truyền về chính để cung cấp cho công đoàn cơ sở và người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động |
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo các công đoàn cơ sở quan tâm tập hợp, phản ánh các ý kiến của người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm; kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế.
Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động, quan tâm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nói chung, pháp luật về chính sách nói riêng cho đoàn viên, người lao động.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, những năm gần đây khi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được ban hành khá chi tiết, kịp thời, đồng bộ… thì nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho đoàn viên công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nói riêng càng được đẩy mạnh, quan tâm, đạt kết quả tốt.
Kể từ năm 2012 đến nay, các cấp công đoàn đã biên soạn, in ấn và phát hành hàng trăm nghìn tờ gấp, cẩm nang dành cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động; giúp cán bộ công đoàn thuận lợi trong việc nắm bắt các quy định của pháp luật để tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, các cuộc toạ đàm, hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật với người lao động, các cuộc tuyên truyền pháp luật lưu động, tổ chức các trò chơi, tiểu phẩm cho công nhân khu nhà trọ... góp phần trang bị kiến thức, quy định của pháp luật về chính sách cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động…
Bên cạnh đó, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn cơ sở đã tổ chức được trên 30.000 cuộc tuyên truyền, tập huấn, hội nghị, cuộc đối thoại chính sách nói chung và chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nói riêng…
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Để thực hiện sứ mệnh “đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội”, theo ông Ngọ Duy Hiểu, nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Theo đó, với chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm… để tham vấn ý kiến, tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ công đoàn và người lao động trong tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
"Từ năm 2012 đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn đã tham gia với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành chức năng kịp thời ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong các văn bản quy phạm pháp luật Công đoàn tham gia, có nhiều văn bản đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến công nhân lao động và tổ chức Công đoàn"- ông Hiểu chia sẻ.
Đặc biệt, Tổng Liên đoàn và các cấp Công đoàn đã tích cực, chủ động trong tham gia góp ý để hoàn thiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn đã phát hiện những vướng mắc, bất cập, từ đó chủ động kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung chính sách, góp phần đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động; nêu ra các đề xuất nổi bật
Điển hình, trong dịch bệnh Covid-19, Tổng Liên đoàn đã chủ động đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ/ngành kịp thời ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của người lao động, như: Chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ…
Phối hợp hiệu quả trong triển khai chính sách
Trong công tác bảo vệ quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu đặc biệt nhấn mạnh, những năm qua, công tác phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam diễn ra thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả thông qua việc phối hợp nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, khi có đề nghị của phía đối tác, hai cơ quan đã trách nhiệm trong cung cấp, trao đổi thông tin, nội dung liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tình hình, số liệu liên quan đến hoạt động của mỗi bên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đồng thời, các Ban chuyên đề của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chia sẻ, tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của người lao động; đánh giá những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật để kịp thời kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Nhiều ý kiến góp ý, tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của các cấp công đoàn, của ngành bảo hiểm xã hội đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. “Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới hai cơ quan sẽ tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành; rà soát các chương trình, quy chế phối hợp hiện có để thống nhất ký mới Quy chế với các nội dung phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay; góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của từng cơ quan, đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động”- ông Hiểu cho biết.