Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp xanh hóa doanh nghiệp
Dù là nước đang phát triển nhưng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã được Chính phủ và các bộ ngành thúc đẩy, trong đó doanh nghiệp là đội ngũ tiên phong trong mô hình kinh tế này.
Kinh tế tuần hoàn giúp xanh hóa doanh nghiệp |
Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường; giảm rủi ro cho doanh nghiệp và khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất...
Thực tiễn áp dụng kinh tế tuần hoàn ở cấp độ doanh nghiệp cho thấy, Việt Nam đã dần hình thành những mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ở cấp độ chuỗi, nhóm và các doanh nghiệp riêng lẻ. Việc hình thành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Pro Vietnam) từ năm 2019 đánh dấu việc kinh doanh theo hướng tuần hoàn bắt đầu trở thành xu hướng mới.
Đến nay, nhiều thành viên của Liên minh đã trở thành những hình mẫu trong việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo hướng tuần hoàn, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Điển hình như Nestlé Việt Nam, các cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 - 2022). Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.
Trong sản xuất, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp tất cả các nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu “Không chất thải chôn lấp ra môi trường” từ năm 2015, thông qua hoạt động thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải.
Cùng là thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam, Công ty La Vie đang hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thu gom và tái chế chai nhựa.
Ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam - chia sẻ, ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên đang phá vỡ vòng tuần hoàn tái tạo tự nhiên và gây biến đổi khí hậu. Hoạt động của con người và doanh nghiệp là tác nhân gây ra các vấn đề này.
Để giải quyết thực trạng này, cần thiết phải dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất nguyên vật liệu và sản phẩm, bán ra thị trường và thải rác ra môi trường) sang mô hình kinh tế tuần hoàn (sản xuất, tiêu dùng và tái chế nhằm tăng vòng đời của nguyên liệu và sản phẩm) nhằm giúp giảm khai thác tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chia sẻ về thuận lợi của doanh nghiệp Việt khi phát triển kinh tế tuần hoàn, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường cho hay, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung về kinh tế tuần hoàn đã được cụ thể hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; cùng với đó, nhiều công cụ chính sách khác có vai trò thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn như: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quản lý chất thải rắn…
Khảo sát của Công ty Tư vấn Bain về Quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 cho thấy, người tiêu dùng ở các nước đang phát triển, như: Việt Nam, Philippines, Indonesia quan tâm về môi trường và xã hội nhiều hơn so với các nước phát triển như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đáng chú ý, khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng tại Việt Nam đứng đầu danh sách về mong muốn doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi để phát triển bền vững.
Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn các chuyên gia cho rằng, cần đảm bảo 3 nguyên tắc, bắt đầu từ thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Đồng thời, mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn: Cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; quá trình sản xuất hạn chế/ không tạo ra rác thải; tiêu dùng có trách nhiệm; quản lý rác thải; biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế. Trong đó, khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng, vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.