Phát triển du lịch: Thách thức bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, để hỗ trợ đồng bào tháo gỡ khó khăn, cải thiện đời sống nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều chính sách và giải pháp. Trong đó, phát triển du lịch tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo được định hướng không chỉ là đòn bẩy cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nơi đây.
Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch |
Cho đến nay, các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc gắn phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực mà hoạt động du lịch mang lại, xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch đã và đang tác động tiêu cực đến các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng. Thực trạng này đang là hồi chuông cảnh báo để các địa phương tiếp tục phải có những giải pháp kịp thời trong khai thác, phát triển du lịch bền vững.
Ông Hoàng Nhân Chính –Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề trên.
Kho tàng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được coi là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch. Theo ông, đến nay khối di sản văn hóa này đã được khai thác ra sao? Yếu tố bền vững đã được đẩy mạnh, coi trọng?
Thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển rất ấn tượng, Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực, có sức hút rất lớn với nhiều thị trường trên thế giới. Để tạo được sức hút này với du khách quốc tế, ngoài cảnh quan thiên nhiên, sức hấp dẫn lớn nhất chắc chắn rằng đến từ các giá trị lịch sử, văn hóa di sản, nhất là sự độc đáo, giàu bản sắc của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số sinh sống trên một địa bàn rộng lớn, mỗi cộng đồng dân tộc mang những nét văn hóa độc đáo riêng có. Rõ ràng, đối với khách du lịch, nhất là khách quốc tế khi đặt chân đến Việt Nam họ sẽ được trải nghiệm, được xem một bộ phim sống động nhất về văn hóa.
Đến nay trong dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống hiện đại, nhưng nhiều cộng đồng dân tộc vẫn giữ được bản sắc riêng từ trang phục, ẩm thực, sinh hoạt, lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Và các giá trị văn hóa này được các địa phương khai thác, phát triển du lịch rất hiệu quả, không chỉ quảng bá được văn hóa bản địa, mà còn cải thiện cuộc sống, nâng cao mức sống cho đồng bào, trở thành đòn bẩy, chủ lực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Ông Hoàng Nhân Chính –Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) |
Như chúng ta biết, mục tiêu của du lịch là phát triển bền vững, vấn đề này thể hiện trên nhiều nguyên tắc, khía cạnh, trong đó có ba nguyên tắc trọng tâm: Một là, phát triển đem lại nguồn lợi về kinh tế cho nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương. Thứ hai, là bảo vệ được môi trường của điểm đến, của cộng đồng. Thứ ba, là bảo vệ tính đa dạng văn hóa của điểm đến.
Trong đó, mục tiêu bảo vệ văn hóa xã hội của bản địa của điểm đến theo tôi đã và đang được quan tâm, đề cao; và thời gian tới đây thì yếu tố này cần phải đẩy mạnh từ trong nhận thức đến hành động. Theo đó, việc chúng ta biến di sản thành tài sản nhưng phải làm sao bảo tồn được các giá trị nguyên gốc của văn hóa. Bởi, du lịch là hoạt động có sự giao lưu, giao thoa các nền văn hóa rất lớn, khách du lịch thường đi từ nơi khác đến, mang theo các giá trị văn hóa khác biệt, một mặt tạo cơ hội giao lưu, hiểu biết thêm các nền văn hóa, nhưng mặt khác sẽ có những cư xử, tác động tiêu cực đến văn hóa bản địa, của điểm đến.
Từ thực tế này cho thấy, bảo tồn các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch đang có thách thức rất lớn. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao hạn chế được các nguy cơ khi có sự giao thoa, tiếp biến của nhiều nền văn hóa với nhau; đồng thời làm sao gia tăng được sự hiểu biết lẫn nhau giữa du khách và dân cư sở tại.
Hiện nhiều địa phương, vì mục tiêu kinh tế mà phát triển du lịch quá nóng dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó xu hướng thương mại đang làm mất đi nhiều nét đẹp văn hóa, gây khó khăn cho bảo tồn nguyên gốc các giá trị của cộng đồng? Ông đánh giá gì về thực trạng này?
Đây là thực trạng đang diễn ra khá nhiều ở các điểm đến hiện nay. Bằng chứng là để phục vụ du khách, không ít phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được dàn dựng, tái hiện lại nhưng không giữ được vẻ đẹp như vốn có mà đã pha tạp, lai căng.
Xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch cũng đang khiến nhiều nét đẹp văn hóa không còn được bảo tồn nguyên gốc. Chẳng hạn, trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc vốn là sản phẩm được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay tỉ mỉ nay đã được thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn; không ít sản phẩm lưu niệm được gọi là đặc trưng vùng, miền lại được nhập về từ nơi khác… Đây là tác hại xấu, đáng lo ngại của phát triển du lịch.
Mặt khác, có thể nêu ví dụ một ngày nào đó, tại Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang khi cộng đồng không thích mặc đồ truyền thống, không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm, đan lát, không tham gia các phiên chợ thì chắc chắn rằng, sức hấp dẫn của điểm đến đã mất đi. Do đó, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, cộng đồng phải nhận diện được các nguy cơ ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống khi khai thác, phát triển du lịch; xây dựng được giải pháp giúp giữ được bản sắc dân tộc của vùng. Thậm chí, cần có những chế tài xử lý nghiêm các vi phạm làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, qua đó tạo tính răn đe và tránh được xu hướng thương mại hóa trong du lịch.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch là thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị văn hóa bản địa |
Vậy theo ông cách làm nà các địa phương cần hướng tới để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa của cộng đồng?
Chúng ta luôn quan tâm và quán triệt mục tiêu trong quá trình phát triển du lịch đó là phải chú trọng, quan tâm đến tính bền vững vừa phải làm sao để phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được văn hóa truyền thống, nhất là điểm đến có đồng bào dân tộc thiểu số.
Gần đây, có một số bài học rất hay về khai thác các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Như tại Hà Giang đã có một tổ chức quốc tế đến từ Pháp dày công tìm hiểu hoa văn, cách thức dệt thổ cẩm của đồng bào nơi đây. Quá trình tìm hiểu họ ghi chép tỷ mỉ, số hóa lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào, ngoài để nghiên cứu họ còn chuyển cho người dân địa phương lưu giữ cách thức dệt của cộng đồng mình với mục đích là giúp bà con bảo tồn, gìn giữ và tránh được sự xâm lấn của cách dệt thổ cảm từ nơi khác đến.
Không chỉ nghề dệt thổ cẩm, mà còn rất nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được khách du lịch quốc tế rất ưa thích như kiến trúc nhà ở, nông cụ sản xuất, góc bếp, các phong tục như nhuộm răng đen... Vì vậy, từ cách làm này của bạn bè quốc tế chúng ta có thể học hỏi, áp dụng và sáng tạo thêm nhiều cách làm mới để giúp bà con dân tộc thiểu số lưu giữ lại nguyên gốc các giá trị văn hóa của cộng đồng, bản sắc riêng có của mình. Từ đó, chúng ta có thể yên tâm bảo tồn kho tàng văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, mang lại nguồn sinh kế lâu dài cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Xin cảm ơn ông!
Bảo tồn các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch là tôn trọng và tăng cường giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc biệt của cộng đồng dân cư địa phương tại các điểm du lịch. |