Chuyên gia hiến kế
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - cho biết, khu vực miền Trung và Tây Nguyên hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch. Toàn khu vực có 12 sân bay đang hoạt động với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1; 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn, là nơi tập trung 14 di sản thế giới và 40 di tích quốc gia đặc biệt…
Du lịch miền Trung - Tây Nguyên có tiềm năng lớn để khai thác |
Theo PGS - TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn phát triển vùng Duyên hải miền Trung - du lịch miền Trung và Tây Nguyên đang diễn ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kết vùng chặt chẽ. Do đó, cần phải nhận thấy được thế mạnh của nhau để hỗ trợ, phát triển. Chính phủ cần trao quyền tự chủ cần thiết để các địa phương chủ động tổ chức, kết hợp với nhau; có nhiều chính sách phù hợp cho phát triển du lịch như:
Chính sách thị thực để thu hút du khách nước ngoài; phát triển đồng bộ du lịch các vùng vì hiện nay đang có sự phát triển chênh lệnh và chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược…
Đồng quan điểm, PGS- TS. Phạm Trung Lương - Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - nêu quan điểm, phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên cần hướng tới từ địa phương sang vùng; số lượng sang chất lượng; có trọng điểm, tạo hiệu ứng lan tỏa. Trên cơ sở đó, cần cơ cấu lại thị trường; tập trung vào chuỗi sản phẩm của vùng; chú trọng sản phẩm đẳng cấp cao; chú trọng đến sản phẩm di sản; cấu trúc lại xúc tiến quảng bá, ưu tiên e-marketing, phát triển gắn với bảo tồn.
Doanh nghiệp cam kết đồng hành
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico - nhấn mạnh, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt đối với Tập đoàn Sovico. Thời gian tới, tập đoàn sẽ tích cực xúc tiến mở thêm nhiều đường bay, quảng bá du lịch... Đồng thời, cam kết thực hiện hiệu quả các dự án của tập đoàn, đóng góp cho ngân sách cũng như phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG - chia sẻ, để đạt được những thành quả nổi bật, doanh nghiệp cần phải biết "dấn thân", có trách nhiệm và biết chịu áp lực, đồng hành cùng địa phương. Tuy nhiên, cần phải có sự hỗ trợ đồng hành của các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi trong các thủ tục đầu tư, cần có thêm nhiều chính sách như miễn visa, miễn thuế cho khách du lịch để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với các địa phương.
Đại diện doanh nghiệp nước ngoài, ông Denis Brunetti - Đồng Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp châu Âu có mối liên kết từ lâu với Việt Nam, với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và đầu tư rất nhiều trong các lĩnh vực. Hiện nay, các doanh nghiệp châu Âu đang chú trọng xây dựng “Thành phố thông minh” và “Du lịch thông minh”, cần hướng tới xã hội thông minh 5.0, phát triển nền kinh tế thông minh trong tương lai; các địa phương cần phải nắm bắt xu hướng để có những giải pháp phát triển phù hợp. Các doanh nghiệp châu Âu cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, đầu tư phát triển lâu dài nữa tại Việt Nam và đặc biệt tại vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các địa phương miền Trung trao quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp… với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. |