Chủ nhật 22/12/2024 18:40

Phát triển công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng vẫn “dậm chân tại chỗ”, vì sao?

Thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, đã nhiều năm, lĩnh vực này vẫn chưa bứt lên và phát triển.

Công nghiệp hỗ trợ được thành phố Đà Nẵng xác định là một trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố.

Để lĩnh vực này phát triển, TP. Đà Nẵng đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư công nghiệp hỗ trợ. Có thể nhắc đến như Nghị quyết 01/NQ-TU ngày 30/10/2020 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết 53/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng; UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022 – 2025.

Công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Đà Nẵng qua nhiều năm vẫn chủ yếu là doanh nghiệp cơ khí nhỏ, chưa bứt lên để phát triển

Mặc dù được hỗ trợ nhiều chính sách để phát triển, trên thực tế phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Đà Nẵng vẫn “ì ạch” sau rất nhiều năm.

Ở góc độ chính sách, không phải đến năm 2020, Đà Nẵng mới có nghị quyết về phát triển chính sách hỗ trợ. Trước đó, năm 2016, thành phố này đã ban hành Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định nội dung và mức kinh phí hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố và UBND thành phố ban hành quyết định 34/2016/QĐ-UBND về quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Đà Nẵng. Trong đó, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng để đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ, được ưu đãi về đất đai, vốn tín dụng….Thời điểm ban hành, chính sách này được đánh giá là có tính tiên phong để tạo đột phá trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Nhưng, sau 4 năm ban hành, chính sách mới chỉ hỗ trợ được 1 đơn vị là công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức (KCN Hòa Khánh mở rộng, Đà Nẵng) với số tiền 2 tỷ đồng. Còn lại là “đứng bánh” bởi đi tiên phong nên có những điểm “vênh” so với các quy định chung của trung ương về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Để khắc phục điều này, năm 2021, trên cơ sở Nghị quyết 115 của Chính phủ về các giải phát để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 53 để thay thế Nghị quyết 20 năm 2016, UBND thành phố cũng căn cứ theo đó ban hành Quyết định 1927, 1928 quy định các chính sách, kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố giải đoạn 2022 – 2025. Ưu điểm của các chương trình, Nghị quyết, Quyết định này là đã “khớp bánh” với các quy định của Trung ương.

Ngày 06/2/2023 căn cứ theo các Nghị quyết, Quyết định của lãnh đạo thành phố, Sở Công Thương Đà Nẵng đã ban hành thông báo 192/TB-SCT đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2023 (đợt 1) để được thụ hưởng hỗ trợ chính sách lên tới hàng tỷ đồng.

Thông tin này đã được thông báo rộng rãi tại các trang thông tin điện tử thành phố, Sở Công Thương, nhiều báo đài đăng tải.

Thông tin chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng được công khai rộng rãi nhưng dường như bị doanh nghiệp "ngó lơ"

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, cho đến hết thời gian tiếp nhận hồ sơ đợt 1 (30/4/2023), Sở mới nhận được vỏn vẹn duy nhất 1 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình của Công ty CP Cao su Đà Nẵng.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao khi khắc phục được nhược điểm về điểm vênh chính sách, thì chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được doanh nghiệp “mặn mà”, vì sao ngân sách dành một khoản lớn “cho không” nhưng doanh nghiệp không nhận?

Qua thực tế khảo sát, phỏng vấn cho thấy rất nhiều doanh nghiệp thành phố chưa biết đến các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù các chính sách hỗ trợ đã được thông tin rộng rãi và hiện vẫn ở mục thông tin chính sách công khai của trang thông tin Sở Công Thương Đà Nẵng, thì tại nhiều buổi gặp mặt, tọa đàm các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thường xuyên kêu rằng không có chính sách hỗ trợ tạo động lực cho cho doanh nghiệp phát triển.

Tại sao doanh nghiệp không biết? Dường như có một sự ì ạch, bị động từ chính phía các doanh nghiệp trong tìm kiếm, theo dõi các thông tin, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Họ chỉ cặm cụi sản xuất, nhất là các doanh nghiệp nhỏ hầu như không có tương tác với các Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ (chính sách đổi mới khoa học công nghệ - cũng là chính sách “cho không” tiền cho doanh nghiệp”). Thậm chí, nhiều chương trình do Sở Công Thương tổ chức để phổ biến các chính sách hỗ trợ, rất ít doanh nghiệp đến tham gia, dù đã được mời. Để đến khi hoạt động khó khăn họ nghiễm nhiên ý kiến: Không có chính sách hỗ trợ!!!

Một vấn đề nữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Đà Nẵng nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng hay ý kiến đó là “chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh”. Như thế nào là “đủ mạnh”???

Theo dõi thông tin trong lĩnh vực ngành Công Thương, người viết nhận thấy rất nhiều chính sách của ngành Công Thương đến với doanh nghiệp Đà Nẵng đều thông qua hình thức Sở tự tìm tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp, tiêu biểu như trong thực hiện chính sách khuyến công (Nghị quyết 324 năm 2020 của HĐND TP. Đà Nẵng), chứ rất ít doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các chương trình hỗ trợ đã được thông tin đăng tải rộng rãi để tiếp cận. Thậm chí, có một doanh nghiệp đã từng nói đùa rằng “khi cán bộ Sở Công Thương nói về vấn đề hỗ trợ tiền đầu tư tôi còn tưởng là lừa đảo. Nhưng thực tế là chúng tôi được hỗ trợ thật, từ đó chúng tôi mới biết đến chính sách hữu ích như này và tiếp tục xin thụ hưởng những năm sau” (đơn vị này nhiều lần được hỗ trợ theo diện chính sách khuyến công).

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện tại, nếu doanh nghiệp Đà Nẵng nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng nói riêng vẫn cứ bị động trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ngồi chờ các Sở, ngành tìm đến hỗ trợ, thì tiền hỗ trợ vẫn sẽ phần lớn nằm lại trong kho bạc; các chính sách đã được ban hành tiếp tục bị “ngó lơ” trong khi các doanh nghiệp, hiệp hội vẫn tiếp tục kiến nghị “Cần có chính sách hỗ trợ” và “cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh”, đến kết quả cuối cùng là công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng còn rất lâu mới có thể bứt ra khỏi vòng luẩn quẩn để phát triển.

Doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất giấy tại Đà Nẵng kiến nghị đưa lĩnh vực này vào diện doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để được thụ hưởng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của trung ương và địa phương

Thành phố Đà Nẵng có khoảng 110 doanh nghiệp đang hoạt động hoặc có khả năng tham gia vào hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp của thành phố. Trong đó, có 43 doanh nghiệp FDI, chiếm 39%; 67 doanh nghiệp trong nước tập trung chủ yếu ở lĩnh vực cơ khí chế tạo máy (chiếm gần 61%). Đa số các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Giá trị tăng thêm (VA) (theo giá so sánh năm 2010) của công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 – 2022 đạt hơn 19.000 tỷ đồng, chiếm 20% VA toàn ngành công nghiệp thành phố. Tỷ trong VA của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong toàn ngành công nghiệp chiếm khoảng 20,2% (năm 2022).

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: Công nghiệp hỗ trợ

Tin cùng chuyên mục

Cục Công nghiệp và Toyota hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công Thương thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp dệt may, da giày

Gợi ý cho Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn hợp tác chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Việt

Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Tăng liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ nội địa hoá với sản xuất xe máy tại Honda đạt 96%

Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024: Kết nối giao thương, mở ra cơ hội

Hà Nội: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần trợ lực hơn về chính sách

Bộ Công Thương và Samsung Electronics Việt Nam tổng kết khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Nhiều tập đoàn nước ngoài muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?

Bình Định: Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chiều sâu

Dự án hỗ trợ nhà cung cấp thuần Việt năm thứ 3 của Toyota ghi nhận thành quả bước đầu

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Tích cực tham gia công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thay vì ‘than vãn’ hãy tìm phương pháp

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội

Nóng: Toyota 'nhá hàng' phiên bản bán tải cho mẫu xe SUV Land Cruiser

Đoàn doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại HANSSIP