Phải đặt Đà Nẵng là trung tâm miền Trung – Tây Nguyên khi phát triển hạ tầng năng lượng điện, xăng dầu, khí đốt
Ngày 19/11, Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến Dự thảo báo cáo các nội dung đề xuất liên quan đến phương án phát triển kết cấu hạ tầng các lĩnh vực năng lượng gồm dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt và điện TP. Đà Nẵng thời kì 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc lấy ý kiến phản biện, góp ý góp phần hoàn thiện các phương án, đề xuất lĩnh vực công thương Đà Nẵng thuộc đề án quy hoạch chung TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 sát thực tế hơn |
Đây là một hợp phần của các nội dung đề xuất lĩnh vực công thương thuộc dự án Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội thảo, các đơn vị tư vấn cũng như các chuyên gia, nhà khoa học tham gia phản biện đều cho rằng kết cấu hạ tầng của các lĩnh vực điện, xăng dầu, khí đốt trong thời gian qua đã đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, có sức lan tỏa trong vùng miền Trung - Tây Nguyên.
TP. Đà Nẵng hiện có 8 kho chứa xăng dầu do 7 doanh nghiệp sở hữu với tổng diện tích 29,5 ha, tổng sức chứa 164.590m3; 6 kho chứa, trạm chiết lạp khí LPG với tổng sức chứa 3.935 tấn, tổng diện tích đất sử dụng của các trạm nạp trên địa bàn là hơn 9,5 ha. Toàn thành phố có 104 cửa hàng xăng dầu và 393 cửa hàng kinh doanh khí LPG được phân bổ trên các trục giao thông và các khu dân cư phụ vụ nhu cầu đi lại cũng như tiêu dùng của người dân.
Về lĩnh vực điện năng, nguồn và lưới hiện hiện hữu của thành phố cơ bản đáp ứng được yêu cầu cấp điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Các chuyên gia phản biện cho rằng cần tính đến vai trò Đà Nẵng là hạt nhân của miền Trung - Tây Nguyên khi đề xuất phương án phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực xăng dầu |
Căn cứ trên thực trạng hạ tầng các lĩnh vực, các đơn vị tư vấn đã ra đưa các phương án phát triển kết cấu hạ tầng điện, xăng dầu, khí đốt đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Trong lĩnh vực xăng dầu, khí đốt, đề xuất phát triển thêm 5 kho xăng dầu với tổng sức chứa 87.000 m3, tổng diện tích đất sử dụng 5,3 ha; phát triển mới thêm 2 kho đầu mối LPG tổng sức chứa 9.500 tấn, diện tích đất cần thiết để phát triển là hơn 1 ha. Đến năm 2030, phát triển mới 17 điểm bán xăng dầu lẻ, 69 cửa hàng bán lẻ LPG. Đề xuất đưa 2 dự án kho xăng dầu, 2 dự án kho trạm LPG vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2025 của TP. Đà Nẵng.
Đối với lĩnh vực điện năng, ngoài năng lượng điện từ nguồn thủy điện, TP. Đà Nẵng đã và sẽ phát triển 5 nguồn năng lượng sạch dự phòng cho thành phố gồm năng lượng mặt trời, điện sinh khối, năng lượng chất thải rắn, thủy điện nhỏ, khí sinh học. Về lưới điện, đề xuất xây dựng mới 3 đường dây 500 kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi, Mạch 2 Đà Nẵng – Dốc Sỏi, Đà Nẵng – rẽ trạm cắt Quảng Trị 2 – Thạnh Mỹ; xây mới thêm 1 trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng 2; bổ sung thêm 10 đường dây 220kV, trong đó có 2 đường dây tải và cấp điện ngoài tỉnh khi đi qua địa bàn Đà Nẵng, cải tạo 2 đường dây 220kV; xây mới 5 trạm biến áp và cải tạo 6 trạm biến áp 220kV… Ngoài ra, đơn vị tư vấn còn đề xuất các định hướng phát triển lưới điện và trạm biến áp 110kV; định hướng phát triển trạm sạc ô tô điện trên địa bàn TP. Đà Nẵng; tổng nhu cầu sử dụng đất các công trình điện; tổng vốn đầu tư; giải pháp sử dụng năng lượng điện hiệu quả, tiết kiệm….
Việc tính nhu cầu tiêu thụ điện, xăng dầu giai đoạn 2021 - 2030 phải tính đến tác động của dịch Covid - 19 đến phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng |
Tham gia phản biện các phương án, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất cho rằng việc xây dựng các phương án phát triển phải phù hợp với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời đúng quy định, phù hợp với dự án tổng quy hoạch thành phố; đối với mỗi lĩnh vực đặc thù phải phù hợp và triển khai được các nghị quyết, Chỉ thị…của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương về định hướng phát triển lĩnh vực đó.
Các chuyên gia cũng đề nghị khi xây dựng, đề xuất phương án xây dựng kết cấu hạ tầng, các đơn vị tư vấn phải xác định đặt Đà Nẵng là trung tâm, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của cả miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt lưu ý các phương án xây dựng phải tính đến tác động của dịch Covid – 19 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, từng lĩnh vực không chỉ trong ngắn hạn mà còn trung hạn để đề xuất phương án phù hợp, sát thực tiễn, có tính khả thi.
Bà Lê Thị Kim Phương – Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đề nghị các đơn vị tư vấn trên cơ sở các góp ý phản biện của các chuyên gia lưu ý hoàn chỉnh lại các nội dung của báo cáo. Trong đó lưu ý bổ sung số liệu, thực trạng. Về phần định hướng phát triển, đề xuất phương án cần tập trung đưa ra các định hướng phù hợp, đặc biệt là tính kết nối Đà Nẵng với các địa phương, tính tích hợp giữa các lĩnh vực với nhau; yếu tố phát triển bền vững trong tương lai, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
"Sở Công Thương thành phố sẽ tiếp thu hoàn chỉnh, nghiêm túc các ý kiến của các chuyên gia phản biện, các đại biểu tham gia góp ý để gửi cho các đơn vị tư vấn để hoàn chỉnh các đề xuất, để tích hợp vào phương án quy hoạch chung của thành phố (quy hoạch tỉnh) phù hợp với thực tế", bà Phương nói.