Ổn định kinh tế vĩ mô và những kinh nghiệm Việt Nam
Đây là nhận định các chuyên gia tại toạ đàm liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô vừa được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với nhiều chia sẻ đáng quan tâm từ lãnh đạo một số bộ cùng các chuyên gia kinh tế, quản trị trong và ngoài nước.
Đại diện cơ quan trực tiếp tham mưu chính sách vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận, không nên quá nặng nề với con số tăng trưởng quý I/2023 ở vào mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo ông Phương, vẫn cần coi đó là một thành tựu đáng khích lệ trong đó ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là tích cực.
Ảnh minh hoạ |
Thứ trưởng Phương cho rằng, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới là đáng quan ngại với các đặc điểm là khó khăn, bất lợi cả ngoài nước lẫn trong nước nhiều hơn, biến động nhanh hơn, phức tạp hơn. Không những vậy kinh tế thế giới không phục hồi như kỳ vọng, trái lại nhiều nền kinh tế, trong đó có các đối tác quan trọng của Việt Nam có dấu hiệu suy thoái.
Với những nét lớn như thế, cần phải nói là “ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là tích cực” theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Phương.
Chia sẻ với ý kiến của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS Vũ Minh Khương từ Singapore cho biết, trong các buổi giảng bài của ông tại đây, học viên đến từ nhiều nước tỏ ra rất quan tâm đến đến những kinh nghiệm chống chịu để tạo ổn định của Việt Nam. Điều này là rất có ý nghĩa khi mà thế giới thay đổi đến mức “nhanh khủng khiếp” so với các dự báo.
Theo ông Khương, nhìn từ ngoài thì có vẻ như con thuyền kinh tế Việt Nam không tránh khỏi sự tròng trành nhưng không khó để nhận thấy, Việt Nam vẫn vững tay chèo, rõ hướng đi. Ông Khương cũng lưu ý một nét khá đặc biệt và thành công của hệ thống chính trị ở Việt Nam là năng lực điều hành của chính quyền các địa phương đã được nâng lên rõ rệt. Đây có thể là một cơ sở cần thiết để Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái tương tác được với các thách thức với các định hướng từ cấp cao.
Ông Khương cũng nhấn mạnh thêm là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần thay đổi tư duy chờ đợi các đại bàng kinh tế thế giới đến làm tổ.
“Việt Nam cần chủ động gắn kết với các đại doanh nghiệp của thế giới để tạo thêm vị thế cho nền kinh tế”, ông Khương nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn về các giải pháp ổn định vĩ mô, chuyên gia Hoàng Văn Cương, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, một bài học rất đáng quan tâm thời gian qua là sự phối hợp rất tốt, nhịp nhàng giữa Chính phủ và Quốc hội và đây là một nền tảng rất quan trọng.
Theo vị chuyên gia này, giải pháp thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là thực hiện các chính sách tài khoá. Nhiều nước cũng áp dụng chính sách tương tự như Việt Nam song lại kéo lạm phát gia tăng. Theo ông vẫn còn dư địa cho việc thực hiện các chính sách tài khoá song cần có các cơ chế trao quyền cho Chính phủ chủ động kéo dài thời gian thực hiện nếu tình hình còn khó khăn.
Trong khi đó chính sách tiền tệ cũng đã được Việt Nam thực hiện khá tốt với việc tỷ giá không cứng nhắc mà biến động linh hoạt quanh khung, giá trị đồng tiền ổn định. Đặc biệt 3 lần giảm lãi suất điều hành là một động thái rất cương quyết của Chính phủ. Thời gian tới cần đặc biệt quan tâm kiểm soát được dòng tiền chảy vào khu vực thúc đẩy sản xuất.