Ngân hàng Trung ương Nga lưu ý, rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại vẫn còn, thể hiện qua sự sụt giảm hoạt động công nghiệp ở các nước hàng đầu. “Một yếu tố toàn cầu quan trọng trong năm nay là sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, nơi các biện pháp quy mô lớn đang được thực hiện để kích thích nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhằm giải quyết các vấn đề trên thị trường bất động sản”, Ngân hàng Trung ương Nga nhận định.
Đồng thời, tác động trực tiếp của dòng vốn toàn cầu đến Nga bị hạn chế rất nhiều, mặc dù trong trường hợp bất ổn ở các quốc gia là đối tác thương mại quan trọng, tác động gián tiếp đến nền kinh tế Nga là có thể.
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn còn. Ảnh: Pixabay |
“Trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu dầu sụt giảm, giá dầu Brent đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng vào tháng 9. Sau đó, đã phục hồi do xung đột ở Trung Đông, nhưng động lực tiêu cực của giá dầu có thể tiếp tục”, Ngân hàng Trung ương Nga nhấn mạnh.
Cũng theo Ngân hàng Trung ương Nga, một yếu tố tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu là động lực lạm phát đi xuống, cho phép các ngân hàng trung ương hàng đầu chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng: “Rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu do lãi suất cao đang giảm dần, nhưng vấn đề của nhiều quốc gia vẫn là mức nợ công cao và thâm hụt ngân sách làm suy yếu tính bền vững”.
Ngoài ra, vẫn còn sự không chắc chắn về diễn biến lạm phát ở cả các nền kinh tế lớn và một số thị trường mới nổi, dẫn đến lợi suất biến động. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, các ngân hàng trung ương thế giới có thể buộc phải điều chỉnh kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã công bố dự báo cho năm 2024 và 2025, với mức tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trước đại dịch Covid-19.
Trước những thách thức kinh tế, IMF nhấn mạnh, các quốc gia cần phải điều chỉnh các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm bảo đảm đà tăng trưởng ổn định và đáp ứng cho các hoạt động kinh tế khác nhau.
IMF cũng khuyến nghị các nước cần phải tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết căng thẳng thương mại. Việc đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng cũng như duy trì chuỗi cung ứng ổn định sẽ là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Theo IMF, nền kinh tế thế giới vẫn đối mặt nguy cơ từ các yếu tố gồm: chính sách tiền tệ tác động đến tăng trưởng kinh tế nhiều hơn dự kiến, áp lực nợ công gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, khả năng giá lương thực và năng lượng lại tăng vọt do những cú sốc khí hậu, chiến tranh và căng thẳng địa chính trị.