Ô tô đậu sát đường ray xe lửa bị tông nát đầu có được bảo hiểm?
Dậy sóng tranh luận về bảo hiểm sau tai nạn
Chiều 5/6, một vụ tai nạn giao thônghy hữu xảy ra tại ngõ 104 đường Cổ Nhuế, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội khiến ô tô KIA biển kiểm soát 30K - 200.xx bị tông nát đầu.
Sự việc gây xôn xao khi lái xe đậu ô tô ngay cạnh đường ray xe lửa; phát hiện đoàn tàu chạy tới, nam lái xe hớt hải chạy đến cứu vãn tình hình nhưng không kịp.
Cú va chạm mạnh khiến ô tô văng ra suýt chút nữa văng vào lái xe. Còn tài xế bất lực nhìn xe ô tô hỏng trong sự trách móc của người xung quanh vì đã đậu xe sai quy định.
Sau sự việc này, hàng loạt tranh luận trên các diễn: Nếu mua bảo hiểm, ô tô có được bồi thường bảo hiểm hay không?. Nhiều ý kiến trái chiều quanh vấn đề này.
Vụ tai nạn gây xôn xao dư luận đang dẫn đến nhiều tranh luận liên quan đến bảo hiểm. (Ảnh cắt từ clip) |
Một tài khoản mạng xã hội Facebook có tên P.M.T cho rằng, trường hợp này thì bảo hiểm sẽ phải bồi thường 100% vì trường hợp này không nằm trên bất kỳ trường hợp nào về loại trừ.
Dưới phần bình luận này, nhiều tài khoản khác để lại bình luận tranh luận và cho rằng trường hợp này không được bảo hiểm bồi thường vì người điều khiển xe ô tô vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ.
Trong khi đó, tài khoản B.K.T bình luận: “Vi phạm hành lang an toàn đường sắt lấy đâu ra được bảo hiểm. Chưa kể còn có khi ăn biên bản nộp phạt của bên đường sắt. Không ủi vào người đi đường là may lắm rồi không thì to tội còn ở đó mà đòi bảo hiểm”. Còn tài khoản N.V.T nhận định lái xe đậu sai quy định khả năng cao là bị từ chối bảo hiểm.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thươngxoay quanh vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau:
Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.
Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Người lái xe không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ; giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng giấy phép lái xe hết hạn sử dụng...
Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: Giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.
Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: Vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt hoặc thiệt hại do chiến tranh, khủng bố, động đất.
Lái xe có thể bị xử lý hình sự hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ
Theo nhận định của Luật sư Diệp Năng Bình, ở vụ việc lần này, hậu quả xảy ra là ngoài ý muốn. Nếu cho rằng chủ xe là lỗi cố ý có thể chưa đúng bởi mục đích ban đầu của chủ xe có thể không phải là dừng đỗ xe gây tai nạn để nhận tiền bồi thường.
Ở đây, tai nạn xảy ra có thể xuất phát từ việc chủ xe không biết có cảnh báo, chuông, tín hiệu đèn... (lỗi vô ý do cẩu thả) hoặc có biết nhưng cho rằng tai nạn sẽ không xảy ra, có thể ngăn chặn được (lỗi vô ý do quá tự tin).
Lái xe hớt hải chạy đến cứu vãn tình hình khi đoàn tàu đang lao tới. (Ảnh cắt từ clip) |
Chính chủ xe khi thấy có tàu hỏa đi qua đã ngay lập tức có biện pháp hạn chế, ngăn chặn hậu quả nhưng không kịp. Như vậy, có thể nhận định rằng đây là vụ tai nạn giao thông thông thường, xảy ra do lỗi vô ý của chủ xe chứ không phải là cố ý.
Luật sư Bình cho rằng, cần xem xét thêm các yếu tố khác như chủ xe có giấy phép lái xe hay không, có giấy chứng nhận bảo hiểm hay không, trong máu có nồng đồ cồn, ma túy hay không.
Nếu các yếu tố trên đều thỏa mãn thì chủ xe có thể được nhận tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với bảo hiểm thân vỏ xe ô tô thì hiện nay không có quy định pháp luật giải thích cụ thể về khái niệm này.
Đây được xem là loại bảo hiểm tự nguyện, chủ xe có thể lựa chọn mua hoặc không mua. Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm thân vỏ xe ô tô đã giao kết giữa công ty bảo hiểm với chủ xe ô tô.
Hiện nay, hành vi dừng, đỗ xe ô tô trong phạm vi an toàn của đường sắt gây tai nạn giao thông được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính; thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có.
Theo điểm a khoản 7 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển xe ô tô có hành vi dừng, đỗ xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Đồng thời, người vi phạm còn phải hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người điều khiển xe ô tổ có thể bị xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về An toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp xê ô tô được thuê, mượn thì chủ xe ô tô còn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.