Nước mắm Phú Quốc: Gian nan giữ thương hiệu - Kỳ I: “Loạn” tên gọi
Nước mắm Phú Quốc Phụng Hưng được khách hàng ưa chuộng |
Khó phân biệt
Chị Hà Thu Hường (Hà Nội) chia sẻ, chị “nghiện” vị đậm đà của nước mắm Phú Quốc ngay sau khi nếm thử trong một lần đi du lịch tại địa phương này.
Tuy nhiên, để chọn được loại nước mắm Phú Quốc chính hiệu không hề dễ dàng bởi có quá nhiều loại nước mắm gắn mác Phú Quốc như: được sản xuất tại Phú Quốc, nguyên liệu từ Phú Quốc, thậm chí có nước mắm Phú Quốc sản xuất tại Thái Lan…
Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thành - Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm (nhà phân phối nước mắm Phú Quốc) - cho biết, đang có tình trạng một số doanh nghiệp (DN) lạm dụng từ “Phú Quốc” để gắn lên chai nước mắm. Điều này không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn gây hiểu lầm cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến uy tín của DN làm ăn chân chính.
Bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc - thông tin thêm, theo Quyết định 1401/QĐ/UBKg của UBND tỉnh Kiên Giang, để được cấp chỉ dẫn địa lý và sử dụng tên “Phú Quốc” trên chai nước mắm, DN phải chấp hành những bước sau: Nguyên liệu đầu vào phải là cá cơm tươi, sau khi đánh bắt được muối ngay trên tàu với loại muối của Bà Rịa Vũng Tàu với tỷ lệ thích hợp. Tiếp đến, việc ủ chượp phải được thực hiện trong các thùng gỗ; sản xuất, đóng chai tại địa bàn huyện Phú Quốc. DN muốn được cấp chỉ dẫn địa lý cũng phải đăng ký để Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền chỉ dẫn địa lý. Sau khi được cấp, DN phải tự đi đăng ký với Ban kiểm soát thuộc Hội nước mắm Phú Quốc và được kiểm soát thì mới được cấp chữ “Phú Quốc” trên nhãn hàng hóa. Như vậy, nếu DN không làm đúng quy trình trên đều không được phép sử dụng chữ “Phú Quốc” trên sản phẩm.
Quy trình đã rõ ràng nhưng nhiều DN dù không làm đúng quy trình và chưa được cấp phép nhưng vẫn sử dụng chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” trên nhãn hàng hóa. Điều này khiến cho người tiêu dùng ngộ nhận sản phẩm này chính là sản phẩm đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Chia sẻ về những thiệt hại của DN và người tiêu dùng khi sử dụng nước mắm Phú Quốc chưa được cấp chỉ dẫn địa lý, bà Nguyễn Thị Tịnh cho hay, một chai nước mắm Phú Quốc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý khi ra thị trường được kiểm soát rất chặt chẽ; công sức bỏ ra cũng như giá trị sản phẩm rất cao.
Đơn cử một chai nước mắm Phú Quốc được bảo hộ loại 500ml, 43% đạm khi đưa ra thị trường có giá trên 100.000/chai, nhưng nếu sản phẩm không được bảo hộ, giá trị bằng một nửa, như vậy, DN làm ăn chân chính giảm sản lượng, người tiêu dùng mua phải sản phẩm không sản xuất đúng quy trình, chất lượng không cao.
Ông Phạm Ngọc Thành nhấn mạnh, tác động rõ rệt nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ đó là người tiêu dùng chưa nhận diện được đâu là sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đâu là nước mắm Phú Quốc khác, dẫn tới sự hiểu lầm khi lựa chọn. Chưa kể, nhiều sản phẩm chưa được cấp chỉ dẫn địa lý có chất lượng không tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mất niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng.
“DN đã thực hiện cuộc khảo sát nhỏ tại một số siêu thị với 200 người, gần như mọi người không nhận diện đúng nước mắm được bảo hộ” - ông Phạm Ngọc Thành lo ngại.
Thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã và đang bị đánh cắp để sử dụng nhãn tại nhiều địa phương trong cả nước, điều này gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng, DN làm ăn chân chính. |
Kỳ II: Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo