![]() |
Thị trường châu Âu (EU) từ lâu đã được xem là “miền đất hứa” cho nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Tây Nguyên nói riêng, nhất là các mặt hàng như cà phê, cao su, gỗ… Tuy nhiên, ngày 23/6/2023, EU đã chính thức ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR), yêu cầu tất cả sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu phải chứng minh không gây ra mất rừng. Quy định này lập tức tạo ra sức ép lớn lên các địa phương xuất khẩu nông sản tại Việt Nam, trong đó Tây Nguyên là một trong những vùng chịu tác động rõ rệt. Song, đây cũng chính là cơ hội lớn để nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của nông sản địa phương tại thị trường EU.
Quy định EUDR và những thách thức đặt ra
EUDR sẽ bắt đầu áp dụng EUDR từ ngày 30/12/2025 đối với các doanh nghiệp lớn và tháng 6/2026 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (trước đó, quy định đến ngày 31/12/2024).
Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái rừng trên diện rộng, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, tất cả các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường EU đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc, chứng minh được quá trình sản xuất không gây mất rừng hoặc không gây mất rừng trong suốt chuỗi cung ứng.
![]() |
![]() |
Là một trong những địa phương có diện tích nông sản lớn ở khu vực, tỉnh Gia Lai hiện có hơn 100.000 ha cà phê, hơn 80.000 ha cao su, đây đều là những sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang EU. Trong đó, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh khi trải rộng ở 10 huyện, thành phố với gần 60.000ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, Organic... Có thể nói, đến thời điểm này, phần lớn cà phê của tỉnh nằm ở "vùng an toàn" so với quy định của EU. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những thách thức, đặc biệt đối với các nông hộ và doanh nghiệp nhỏ khi thiếu hệ thống truy xuất nguồn gốc chặt chẽ và nguồn lực thực hiện hạn chế.
Anh Nguyễn Văn Bình, chủ cơ sở chế biến cà phê tại huyện Chư Sê, chia sẻ: “Trước đây, thị trường chủ yếu là nội địa hoặc xuất sang Trung Quốc, giờ muốn vào EU phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, rất khó cho chúng tôi vì diện tích đất trồng chủ yếu là thuê lại từ nhiều hộ dân nhỏ lẻ, giấy tờ không rõ ràng”.
Còn bà Rơ Chăm H’Hoa, một nông dân trồng cà phê tại xã Ia Kha (huyện Ia Grai), bộc bạch: “Các hợp tác xã giờ thu mua cà phê đều yêu cầu phải có chứng minh nguồn gốc. Chúng tôi chưa từng nghĩ phải chứng minh đất này không phá rừng. Bây giờ mới thấy xuất khẩu sang EU khó quá, không chỉ là chất lượng mà còn phải minh bạch từng cây cà phê”.
![]() Mô hình canh tác cà phê tại Gia Lai |
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, hàng nông sản tại tỉnh Gia Lai sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đáp ứng các tiêu chuẩn EUDR. Trong đó, thách thức lớn nhất là việc chứng minh những “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” không gây mất rừng theo yêu cầu của EUDR. Khi các “hàng hóa liên quan” hoặc “sản phẩm liên quan” không thể nhập khẩu vào thị trường EU, hàng nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng rất có thể bị ép giá khi xuất khẩu hàng sang các quốc gia có yêu cầu về việc tuân thủ ít hơn.
Đa phần người dân Gia Lai ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào rừng, trong đó có các dân tộc thiểu số với những đặc điểm văn hóa, xã hội, truyền thống, thói quen, tập tục khác nhau, nếu họ bị loại khỏi chuỗi cung ứng hàng hóa, với tập quán du canh du cư từ nơi này sang nơi khác để phát nương làm rẫy có thể lại tiếp tục gây ra những điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai, đặc biệt đã phá vỡ quy hoạch.
EUDR không chỉ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng mà quan trọng hơn là yêu cầu các sản phẩm đó phải phù hợp với luật pháp Việt Nam, bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng lao động, điều kiện lao động cho người nông dân và những quy định khác liên quan đến lao động…
“Điều này có nghĩa là hàng nông sản tại tỉnh sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, trong đó có ngành hàng cà phê. Thách thức lớn nhất của ngành cà phê ở Gia Lai là quy mô nhỏ lẻ với khoảng 85% diện tích do nông hộ quản lý nên vấn đề định vị vườn trồng, truy xuất nguồn gốc gặp rất nhiều khó khăn”- ông Có cho hay. |
Biến thách thức thành cơ hội
Để nông sản địa phương đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường EU, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 2199/KH-UBND về việc triển khai hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch nhằm chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, nhân rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn gắn với chế biến tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực.
Cùng với đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài, kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên, bảo vệ bền vững các hệ sinh thái rừng tự nhiên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Áp dụng các chứng chỉ bền vững đối với các ngành hàng như: cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su. Hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người dân sống ở khu xen kẽ rừng, tiếp giáp rừng, vùng sâu, vùng xa để đáp ứng quy định EUDR.
Kế hoạch tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR; xây dựng khung hợp tác trong thực hiện EUDR; xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, huyện về khu vực vùng trồng tạo sản phẩm hàng hóa bị ảnh hưởng bởi quy định EUDR; xây dựng và triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị điểm (Points) và ranh giới số (Polygon) của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR. Tăng cường triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, giám sát sự biến động rừng, kiểm kê theo dõi diễn biến rừng, xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng; xây dựng các mô hình chuyển đổi sinh kế bền vững tại các vùng rủi ro…
Tương tự, tại tỉnh Đắk Nông, xác định được EUDR là vấn đề cấp bách, thời gian qua, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân đã cùng đồng hành để biến những thách thức của quy định EUDR thành cơ hội.
Hiện nay, ngoại trừ dầu cọ, tỉnh Đắk Nông có các mặt hàng đều nằm trong diện điều chỉnh của quy định EUDR. Trong đó, cà phê là sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu chủ yếu hiện nay của Đắk Nông, tiếp theo là cao su, ca cao. Diện tích, sản lượng cà phê của Đắk Nông hiện đứng thứ 3 cả nước cũng như khu vực Tây Nguyên, chỉ sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng với khoảng 143.000ha cà phê. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 131.000ha, sản lượng khoảng 360.000 tấn; 90% sản lượng cà phê của tỉnh phục vụ xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Âu.
![]() |
Ca cao là một trong những nông sản phải áp dụng quy định EUDR |
Việc thực thi quy định EUDR có ý nghĩa quan trọng đối với cà phê cũng như các loại nông sản khác của tỉnh, nhất là bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, nâng cao đời sống người dân.
Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông cho biết, công ty có 2 sản phẩm trực tiếp chịu ảnh hưởng từ quy định EUDR là cà phê và ca cao. Sau khi tìm hiểu thông tin, quy định của EUDR, anh nhận thấy điểm đáng chú ý của quy định EUDR là yêu cầu minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, đặc biệt về nguồn gốc và khu vực sản xuất của các nông sản. Đây là thách thức đối với Đắk Nông trong việc xác định vị trí tọa độ, nguồn gốc đất sản xuất cà phê. Diện tích cà phê lớn nhưng tỉ lệ sản xuất được chứng nhận thấp.
“Trong năm 2025, công ty sẽ mở rộng thị trường sang châu Âu đối với sản phẩm cà phê và ca cao. Vì thế, việc chuẩn bị để thích ứng với quy định EUDR là rất quan trọng. Chúng tôi sẽ rà soát các hộ sản xuất để thống kê, xác minh nguồn gốc đất và hỗ trợ nông dân về thủ tục minh bạch hóa thông tin” - anh Hoàng thông tin.
![]() |
Nói về giải pháp, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: UBND tỉnh đã ban hành khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định EUDR theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đắk Nông đã thành lập nhóm công tác công tư cấp tỉnh để triển khai khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định EUDR, trong đó đặc biệt chú trọng khâu minh bạch hóa thông tin sản phẩm. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện quy định EUDR hiệu quả và bền vững.
Cũng theo ông Lê Trọng Yên, tỉnh sẽ học hỏi kinh nghiệm các tỉnh, thành phố; tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành để xây dựng lộ trình phát triển ngành hàng nông sản theo hướng bền vững, gắn với biến đổi khí hậu, không gây mất rừng trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp nông sản tăng cường hợp tác quốc tế để tạo uy tín, xây dựng thương hiệu và nắm bắt tốt các đặc tính của thị trường châu Âu để bán sản phẩm với giá tốt, sản lượng lớn.
Thách thức từ quy định chống phá rừng của EU không chỉ đòi hỏi nông sản Tây Nguyên cải thiện chất lượng, mà còn minh bạch hóa nguồn gốc một cách rõ ràng. Để chinh phục thị trường khó tính này, việc minh bạch trong nguồn gốc và canh tác bền vững là con đường bắt buộc. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán hội nhập, giúp nông sản Tây Nguyên khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới.
![]() |
Bài 2: Khi minh bạch nguồn gốc và canh tác bền vững là con đường tất yếu |
![]() |
Nội dung và thiết kế: Hiền Mai
|