NPTS: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để đẩy nhanh quá trình số hóa doanh nghiệp
Chủ động đẩy nhanh và triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để áp dụng trong công tác sửa chữa, thí nghiệm lưới truyền tải, NPTS đã góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa và chuyển đổi số tại EVNNPT.
Chìa khóa cho phát triển bền vững
Xác định khoa học công nghệ (KHCN) là chìa khóa cho phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số tại doanh nghiệp, trong thời gian qua Công ty Dịch vụ Kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng nhiều đề tài, giải pháp khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành, sửa chữa, thí nghiệm hiệu chỉnh, từ đó đãlàm tăng tính ổn định, an toàn cho hệ thống lưới điện truyền tải.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc NPTS cho biết, nhằm thực hiện “Chiến lược ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn 2040” của EVNNPT, thời gian qua cùng với các đơn vị thành viên khác của EVNNPT, chúng tôi đã tích cực mở rộng nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý vận hành, sửa chữa, thí nghiệm. Các đề tài nghiên cứu không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động mà còn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, của Tổng Công ty cũng như góp phần vào thành công của EVN trong lộ trình trở thành doanh nghiệp số”.
Là doanh nghiệp còn hết sức non trẻ của EVNNPT, chỉ sau 5 năm xây dựng và phát triển, NPTS đã từng bước khẳng định vị thế của mình thông qua hàng loạt các đề tài nghiên cứu khoa học được đưa vào ứng dụng sản xuất của EVNNPT.
Hiệu quả về kinh tế của các đề tài này không thể đo đếm hết được, bởi nó không chỉ rút ngắn thời gian thi công, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty mà còn khẳng định vị thế, trí tuệ Việt của những kỹ sư truyền tải điện trong hành trình vươn tới tầm cao tri thức của khoa học công nghệ, của đổi mới và sáng tạo.
Một buổi họp Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của Công ty NPTS |
Hiệu quả từ các đề tài nghiên cứu khoa học
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã được NPTS quan tâm, chú trọng và phát triển.
“Chỉ trong vòng 5 năm qua NPTS đã triển khai 06 đề tài nghiên cứu khoa học, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng. Đặc biệt, NPTS đã làm chủ được 7 hệ thống hệ thống điều khiển máy tính tại các TBA”, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Trước hết phải kể đến đề tài “Nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý thí nghiệm”, đề tài được các kỹ sư của NPTS thực hiện trong vòng 12 tháng ( từ 6/2021-2/2022) hoàn thành sớm 2 tháng so với kế hoạchvà đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng trong tất cả các đơn vị của EVNNPT.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng: “Đề tài được triển khai nhằm mục đích số hóa toàn bộ công tác thí nghiệm thiết bị điện, tiến đến chuyển đổi số theo mục tiêu chung của EVNNPT. Qua đó tăng cường nâng cao công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất của NPTS nói riêng và của các Công ty Truyền tải điện cũng như của EVNNPT nói chung”.
“Trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ thí nghiệm thiết bị điện của EVNNPT, hiện chưa có công cụ, ứng dụng phần mềm nào để quản lý các hoạt động về công tác thí nghiệm thiết bị điện”, ông Dũng chia sẻ.
Theo đó, đề tài đã được xây dựng trên nền tảng Web, liên kết được với cơ sở dữ liệu của phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS), phần mềm quản lý nhân sự (HRMS).
Điểm mới và sáng tạo của đề tài đó chính là, hệ thống phần mềm có khả năng quản lý toàn bộ công tác thí nghiệm thiết bị, danh mục thí nghiệm các thiết bị trên lưới truyền tải điện; số hóa số liệu thí nghiệm thiết bị trên lưới truyền tải điện.
Đặc biệt, phần mềm tự tính toán đánh giá chất lượng thiết bị qua việc theo dõi xu hướng (tăng, giảm) số liệu của các lần thí nghiệm, đánh giá chất lượng thiết bị qua các tiêu chuẩn như: tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn IEC, tiêu chuẩn Quốc gia, tiêu chuẩn ngành,…. cũng như thông báo thiết bị quá hạn thí nghiệm định kỳ, tổng hợp lập kế hoạch triển khai, lập kế hoạch đăng ký cắt điện công tác thí nghiệm định kỳ thiết bị trên lưới,...
Việc nghiên cứu và ứng dụng thành công của đề tài đã cụ thể hóa chủ trương và nhiệm của về chuyển đổi số mà EVN giao cho EVNNPT. Nhờ đó, EVNNPT đã số hóa được toàn bộ công tác thí nghiệm của các trạm biến áp từ khâu lập kế hoạch cho đến khâu triển khai thực hiện, nhập số liệu thí nghiệm, ký số và phát hành các biên bản thiết nghiệm, biên bản kiểm định an toàn kỹ thuật điện theo đúng yêu cầu của Thông tư số 33/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện.
Hội đồng nghiệm thu đề tài máy hút chân không cỡ lớn kiểm tra sản phẩm và chứng kiến chạy thử nghiệm tại Trung tâm 1 |
Tiếp theo phải kể đến, đề tài “Nghiên cứu thiết kế, tổ hợp, lắp ráp máy hút chân không công suất lớn”.
Sau một thời gian nghiên cứu (18 tháng), các kỹ sư của NPTS đã tổ hợp, lắp ráp các thành phần và gia công giá đỡ, vỏ máy, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống bơm chân không và tiến hành chạy thử nghiệm hút chân không cho MBA 220kV-250MVA (dự án lắp máy 2 Long Biên, dự án NCS TBA 500kV Quảng Ninh, NCS TBA 220kV Lưu Xá).
Kết quả là sau khi hút chân không 01 giờ áp suất chân không đã đạt theo yêu cầu của nhà sản xuất MBA là 1,33 mbar. Đối với các Máy bơm chân không hiện NPTS đang sử dụng để đạt được áp suất chân không 1,33 mbar phải mất thời gian trung bình 16 đến 24 giờ.
Đặc biệt, đề tài nghiên cứu đã thiết kế tổ hợp Hệ thống bơm chân không công suất lớn được điều khiển tự động bằng PLC các tín hiệu cảnh báo được đưa lên màn hình HMI để người vận hành theo dõi xử lý: Tín hiệu ngược pha; nhiệt độ động cơ quá cao; ẩm và hơi dầu ngưng tụ trong bình tích quá cao; động cơ quá tải; Mất áp suất khí nén……
Bên cạnh đó, hệ thống cũng đã được nghiên cứu, thiết kế tạo sự linh hoạt, cơ động trong quá trình vận chuyển ra công trường và thuận tiện trong việc kết nối hệ thống máy chân không với các loại MBA khác nhau, đồng thời thuận tiện cho việc vận chuyển ra công trường.
Việc nghiên cứu và ứng dụng thành công đã giúp đơn vị thi công rút ngắn thời gian lắp đặt, sớm đưa MBA vào vận hành, giảm thiểu tối đa thời gian tạm ngừng cung cấp điện. Ngoài ra, đề tài đã đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của các hãng sản xuất MBA trong việc lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng MBA tại hiện trường, đặc biệt là công đoạn hút chân không MBA.
Trước đó, NPTS cũng đã hoàn thành nghiệm thu một số đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVNNPT như đề tài: “Phần mềm điều khiển, tích hợp trạm biến áp –NPTSA”. Tháng 11/2021, phần mềm đã được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận Quyền đăng ký tác giả. Đề tài “Nghiên cứu, chế tạo hợp bộ thí nghiệm bộ đếm sét và đồng hồ đo dòng rò” sau 6 tháng triển khai nghiên cứu, thử nghiệm hiện cũng đã được EVNNPT nghiệm thu và đưa vào ứng dụng rộng rãi tại các đơn vị của Tổng Công ty.
Thành công của các đề tài nghiên cứu khoa học đã phần nào giảm áp lực cho EVNNPT nói chung và NPTS nói riêng khi mà tình trạng vận hành đầy và quá tải của lưới truyền tại hiện chưa đáp ứng tiêu chí N-1 tại một số khu vực; tình trạng điện áp cao, thấp, dòng ngắn mạch tăng cao tại một số vị trí trên hệ thống; tỷ trọng các nguồn điện NLTT trong cơ cấu nguồn điện ngày càng lớn…và đặc biệt đề tài đã góp phần vào hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, CMCN 4.0 do EVN giao. |