Thanh long Chợ Gạo sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap được người tiêu dùng ưa chuộng.
CôngThương - Tập trung đầu tư cho nông nghiệp
So với các địa phương khác tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đã chứng tỏ thế mạnh nông nghiệp trong phát triển kinh tế của tỉnh bởi mỗi năm ngành nông nghiệp đã góp 49,5% GDP toàn tỉnh với diện tích 77% trong tổng diện tích đất tự nhiên trên 248.400 ha.
Nhắc đến Tiền Giang, người dân trong nước nghĩ ngay tới một vùng trái cây trù phú với những thương hiệu như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Lông Cổ Cò (Cái Bè), vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim - Châu Thành), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), thanh long (Chợ Gạo), nhãn, chôm chôm (Cái Bè, Cai Lậy)… Đặc biệt, rau cũng là một trong những thế mạnh của tỉnh Tiền Giang, nhờ trồng rau mà nhiều nông dân Tiền Giang đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ chính mảnh ruộngcủa mình.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT)Tiền Giang, hàng năm tỉnh đã trồng và thu hoạch gần 1 triệu tấn trái cây, trong đó có nhiều loại trái cây có thế mạnh xuất khẩu như khóm, xoài, bưởi, thanh long. Cụ thể, khóm Tân Phước đang được trồng tập trung với diện tích 11.600 ha, sản lượng hàng năm trên 190.000 tấn; thanh long với diện tích gần 2.000 ha, tập trung tại huyện Chợ Gạo đã cho sản lượng hàng năm trên 30.000 tấn và đã được xuất sang thị trường Nhật.
Riêng về rau màu, tỉnh có tới 35.000 ha trồng rau với sản lượng bình quân khoảng 570.000 tấn/năm, huyện trồng rau tập trung nhiều là huyện Châu Thành, với diện tích khoảng 1.500 ha, sản lượng từ 150.000 - 180.000 tấn/năm (chiếm gần 30% sản lượng rau của tỉnh). Đặc biệt, dù không phải là địa phương có sản lượng lúa lớn nhất cả nước nhưng hàng năm Tiền Giang vẫn sản xuất khoảng 1,3 triệu tấn gạo, và trở thành nơi giao thương gạo hàng hóa, cung cấp cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.
Hiện tại, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của Tiền Giang đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đồng thời, để đảm bảo đầu ra cho hoa màu của tỉnh, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã giao cho Trung tâm khuyến nông tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn về rau an toàn, phổ biến những tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm, cập nhật -cung cấp cho các HTX thông tin về nhu cầu tiêu thụ nông sản của người tiêu dùng... Ngoài các dự án nông nghiệp đã triển khai, năm 2011 tỉnh tiếp tục kêu gọi 6 dự án về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao gồm Nhà máy sơ chế và đóng gói thanh long, Nhà máy sơ chế đóng gói rau an toàn, đầu tư chăn nuôi tập trung… với tổng số vốn đầu tư khoảng 430 tỷ đồng.
Làm nông nghiệp... thoát nghèo!
Là một trong những HTX xây dựng thương hiệu khá bài bản và thành công, đại diện HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) cho biết, vào cuối tháng 6/2008, HTX đã xây dựng thành công mô hình vú sữa theo tiêu chuẩn GlobalGap với diện tích gần 50ha, năng suất đạt khoảng 400 tấn/năm.
Vú sữa được cấp chuẩn này đã tăng giá trị hơn so với trước từ 10.000 – 20.000 đồng/kg và được bán phổ biến với giá 40.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất khẩu gần 10 tấn vú sữa Lò Rèn Global Gap sang thị trường Anh, Cannada. Ngoài ra, còn có một số đối tác trong nước đặt hàng 1,5 tấn để xuất sang Anh nhưng hợp tác xã chỉ đủ khả năng cung ứng được khoảng 300kg. Do hiệu quả kinh tế cao, HTX đang vận động nhà vườn mở rộng diện tích trồng vú sữa xuất khẩu lên 100ha trong thời gian tới.
Từ thành công của HTX Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây vú sữa Lò Rèn lên 5.000 ha đến năm 2015 và mở rộng diện tích canh tác chuẩn GAP.
Đối với người dân trồng Thanh Long tại Chợ Gạo, những năm qua nhờ chuyển đổi cơ cấu và trồng theo chuẩn Viet Gap, đời sống người dân đã được cải thiện nhiều. Ông Huỳnh Hồng Ửng-Chủ nhiệm HTX Thanh Long Chợ Gạo cho biết, HTX có khoảng 22 ha thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP, bình quân mỗi héc ta thanh long sẽ cho thu hoạch khoảng 25-30 tấn trái. Mặc dù giá thanh long chưa được ổn định nhưng người trồng thanh long vẫn thu lời từ 20-25 triệu đồng/héc ta, tăng gấp hai lần so với trồng lúa trước đây. Với thành công từ cây thanh long Chợ Gạo, hiện Tiền Giang đang triển khai đề án mở rộng diện tích chuyên canh cây thanh long đến năm 2015 là 5.000 ha, tăng 2.500 ha so với hiện tại. Theo đề án này, diện tích trồng thanh long sẽ được mở rộng trên địa bàn huyện Chợ Gạo và xã Long An (thuộc huyện Châu Thành).
Dù chưa có nhiều diện tích được cấp chuẩn GAP như trái cây của các HTX khác song người dân trồng rau của HTX Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) cũng có thu nhập cao hơn so với trồng lúa trước đây. Ông Đồng Ngọc Liễu - chủ nhiệm HTX Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) cho biết, Thân Cửu Nghĩa có hơn 300 ha diện tích trồng rau, trong đó rau an toàn đang được phổ biển cho nông dân trồng rộng rãi, song diện tích mới chỉ đạt khoảng 15 ha. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người dân trồng rau trung bình mỗi tháng đạt trên 10 triệu đồng, chưa kể tới việc bà còn tăng cường trồng xen canh thêm cây ớt kiểng và nhiều loại hoa màu khác. Hiện nay, ngoài cung cấp rau cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, Thân Cửu Nghĩa còn đang xúc tiến cho bà con trồng rau theo tiêu chuẩn thế giới để xuất khẩu. Tuy sản lượng xuất khẩu chưa nhiều nhưng đã bước đầu mang lại giá trị và tạo phấn khởi cho nông dân.
Trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngòai nước, nông dân trong tỉnh, với sự hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp, đã và đang thực hiện thành công nhiều mô hình ứng dụng sản xuất sạch trong nông nghiệp như quy trình Global Gap đối với sản xuất lúa gạo xuất khẩu ở Mỹ Thành Nam huyện Cai Lậy, ứng dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch của Việt Nam là Viet Gap (tương tự Global Gap) trên cây khóm Tân Phước, chôm chôm Tân Phong, xoài cát Hòa Lộc…Có thể nói phát triển nông nghiệp sạch đang là hướng đi đúng đắn của Tiền Giang và giúp nông dân thoát nghèo.