Nông dân gồng gánh giá phân bón vì thuế bất hợp lý
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiện nay do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT theo quy định tại Luật 71 nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế VAT đối với sản phẩm, dịch vụ đầu vào, kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Thay vào đó, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, vào giá thành sản phẩm nên không những không giảm được giá bán tới người nông dân, mà ngược lại, còn làm tăng giá sản phẩm phân bón.
Giá phân cao, nông dân gánh hết
Lão nông Hai Lo (Trần Văn Lo, xã Long Trì, Châu Thành, Long An) – một nông dân trồng thanh long công nghệ cao chia sẻ, khoảng chục năm trồng thanh long, ông chưa thấy phân bón lại hỗn loạn về lượng và giá như vài ba năm gần đây. "Giá phân cứ tăng đều đều, trong khi chất lượng kém đi", ông thổ lộ.
Hiện, ông Hai Lo đang trồng 2ha thanh long công nghệ cao. Trước dịch Covid-19, ông đang thong dong xuất thanh long đi châu Âu qua bằng đường hàng không, mỗi lần xuất khoảng 900kg, giá 35.000 đồng/kg. Khi gặp dịch Covid-19 ông ngưng xuất hàng cho đến giờ. Chính vì làm hàng xuất khẩu thanh long sang thị trường khó tính, nên ông Hai Lo rất chăm chút cho phân bón. Mỗi năm ông tốn khoảng 250 triệu đồng tiền phân cho 2ha thanh long này."Đành biết giá phân tăng nhiều nhưng tôi không ngại cho bằng chất lượng phân bón giảm. Chất lượng phân bón không đạt thì hại cho sản xuất lắm, khi ấy cả sản lượng và chất lượng thanh long giảm sút, khiến giá cả cũng giảm theo", ông Hai Lo chia sẻ.
Theo ông Hai Lo, trước đây ông đã nghe loáng thoáng về Luật 71, thấy cũng mừng vì cứ nghĩ nếu Nhà nước không đánh thuế phân bón thì giá phân sẽ giảm. Nhưng thực tế ngồi nghĩ lại thấy… nông dân lãnh đủ. "Sản phẩm không bị đánh thuế VAT thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào. Vậy thì chi phí đó buộc phải dồn vào giá sản phẩm, cuối cùng là nông dân gánh. Chưa nói chất lượng phân bón giảm vì doanh nghiệp không dám đầu tư trang thiết bị sản xuất. Vậy mới hiểu vì sao giá phân cứ tăng mà chất lượng sụt giảm", ông Hai Lo phân tích.
Ông kể, vừa qua bị một vố phân kém chất lượng từ doanh nghiệp của một người bạn. Theo đó, phân mang về ông cho vào hố nước pha loãng để tưới thanh long. Khi tưới xong, dưới đáy ao lộ ra khoảng một tấn vôi! "Tôi gọi ông bạn mắng vốn rồi nghỉ xài phân của ổng luôn", lão nông Hai Lo cười gượng gạo.
Đến một lão nông sành sỏi trong làm nông như ông Út Huy (Võ Quan Huy, Đức Huệ, Long An) cũng thấy khó với quy địnhthuế VAT mới. Lão nông Út Huy không chỉ trồng hàng chục loại trái cây trên hàng trăm ha đất mà còn là chủ một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, coi như đóng hai vai cùng lúc. "Tôi cũng mới biết Luật 71. Nghe nói phân bón không chịu thuế VAT lúc đầu cũng thấy vui. Nhưng ngẫm kỹ lại mới thấy cả doanh nghiệp lẫn hộ nông dân đều đang gặp khó với luật này. Giá thành sản xuất phân bón bị đội lên,cuối cùng là nông dân gánh hết, vì họ có được hỗ trợ cái gì đâu, trong khi phải mua phân bón giá cao, còn bản thân doanh nghiệp cũng chẳng được lợi gì", ông chia sẻ.
Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, mỗi năm Đạm Cà Mau không được khấu trừ gần 350 tỉ đồng tiền thuế VAT đầu vào, buộc phải đưa vào giá bán. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) cũng cho biết, từ năm2015 đến nay, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, Đạm Phú Mỹ không đượckhấu trừ hơn 1.600 tỉ đồng tiền thuế.Theo báo cáocủa Cục hóa chất – Bộ Công Thương, với năng lực sản xuất phân bón hiện nay khoảng 8 triệu tấn/năm, nếu được hoàn thuế đầu vào sản xuất, số tiền sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.
Cần sớm có giải pháp
Ông Nguyễn Minh Mẫn – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành – thủ phủ thanh long của tỉnh Long An - cho biết, hiện tại vùng nguyên liệu thanh long chuyên xuất khẩu này có gần 9.000ha thanh long. Mỗi năm, địa phương trồng thanh long này tiêu thụ khoảng 15.000 tấn phân hóa học. "Trong đó, khoảng 50% là phân nhập khẩu", ông Mẫn thông tin.
Thực tế này cho thấy, những năm gần đây, lượng phân bón nhập khẩu tăng mỗi năm hàng trăm nghìn tấn. Luật 71 đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước. Phân bón nhập khẩu đang hưởng lợi nhiều nhất dokhi xuất khẩu bên kia đã được hoàn thuế VAT, tới Việt Nam không phải chịu thuế VAT, được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, khiến phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành so với phân bón trong nước. Điều này dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng làm gia tăng nhập siêu và sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp điều tiết và ổn định thị trường khi giá phân bón thế giới biến động. Nông dân lúc này sẽ phải mua phân bón với giá đắt, thiệt hại cả cho nông dân và ngành trồng trọt trong nước nói chung.
Ông Trần Quốc Toản – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long cảnh báo: "Khi nông dân tập trung sử dụng phân bón nước ngoài, nếu xảy ra tình trạng phân bón kém chất lượng, nông dân biết khiếu kiện ai?".
Theo ông Út Huy, đây là lúc TW Hội Nông dân Việt Nam cần thể hiện vai trò của mình. "Phải nhào vô tìm hiểu vấn đề để kiến nghị các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn, thiệt thòi cho doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân với Luật 71", ông đề nghị.
Trao đổi với Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định về những bất cập từ Luật 71, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định cho rằng, TW Hội đang tích cực tập hợp ý kiến của nông dân để có kiến nghị với Thủ tướng Chính Phủ trong lần đối thoại với nông dân tới đây trong năm 2020.