Thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón: Tiếp tục đề xuất tăng lên 5% Đánh thuế 5% có làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường? |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam – thông tin, trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư chi phí sử dụng chiếm tỷ lệ lớn (khoảng từ 35 – 50%) trong chi phí đầu vào của trồng trọt. Giá phân bón sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân.
Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm Thuế VAT cho phân bón – Vì lợi ích của nông dân và sự phát triển ngành phân bón trong nước |
Việc Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, trong đó có nội dung chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5% đang thu hút sự chú ý của nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phân bón. Đây cũng là một trong những nội dung được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thảo luận. Trên nghị trường Quốc hội, nội dung này cũng còn một số ý kiến tranh luận.
Tại tọa đàm, việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5% cũng còn nhiều ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam – thông tin, hiện nay, Quốc hội đang bàn một vấn đề lớn đối với nông dân, nông nghiệp, đó là đưa lĩnh vực phân bón vào chịu thuế giá trị gia tăng 5%, theo chuyên gia kinh tế, việc này sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích, Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân.
Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn ý kiến, nếu điều chỉnh 5% người nông dân không được hưởng chính sách này, đã tăng thuế thì người nông dân phải là người chịu ảnh hưởng, làm sao có thể được hưởng lợi. Về nội dung này chúng ta đã phân tích rất nhiều. Và bất kỳ một chính sách nào đưa ra đều có tác động tích cực và tiêu cực tới người nông dân.
Và một điều có thể thấy rõ ràng, cơ quan quản lý Nhà nước là người tác động đến chính sách, đây cách hiểu vấn đề rõ ràng và rành mạch ngay từ đầu. "Đối với việc áp thuế 5%, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nói với nhau đó là hướng đi đúng đắn trong tình hình hiện nay, nó đảm bảo lợi ích 3 nhà, Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân", ông Ngọc nói.
Ủng hộ với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 5%, về phía Hiệp hội, ông Nguyễn Trí Ngọc cũng kêu gọi các doanh nghiệp thành viên hiệp hội, doanh nghiệp có trách nhiệm đầu tư trở lại sản xuất, từ đó, giúp giảm giá thành, giảm giá bán phân bón.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa – Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho hay, trước đây tôi cho rằng, nếu áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ là người thiệt thòi. Tuy nhiên, qua giải trình của Thường vụ Quốc hội, tôi nhận thấy thuế giá trị gia tăng đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 và chuyển từ việc chịu thuế suất 5% sang không chịu thuế, chính sách này đã gây ảnh hưởng, bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua.
"Quan điểm của tôi là đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội. Đó là phải áp thuế suất giá trị gia tăng 5% đối với ngành phân bón. Phân bón hiện nay là loại hàng hóa trong diện bình ổn giá. Nhà nước sẽ điều tiết để đảm bảo phân bón không tăng cao", ông Hòa nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho hay, ông đã có sự thay đổi quan điểm từ kỳ họp Quốc hội thứ 7 so với kỳ họp Quốc hội thứ 8. Theo đó, đứng ở góc độ người tiêu dùng, đại diện cho cử tri, ông Hiếu ủng hộ phương án đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng phải chịu thuế giá trị gia tăng, nhưng đề xuất mức thuế là 0%. Đồng thời đề xuất nên lấy ý kiến riêng về vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, trước khi thông qua trình toàn văn dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên viên chính Vụ Chính sách Tổng cục Thuế - cho biết, phân bón sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 73% thị phần và sẽ giảm được giá thành khi phân bón quay lại chịu thuế giá trị gia tăng 5%; phân bón nhập khẩu chiếm dưới 27% thị phần và có khả năng sẽ phải tăng giá khi bị đánh thuế giá trị gia tăng 5%.
Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải căn cứ giá nhập khẩu thực tế, mặt bằng giá trong nước khi có chính sách mới để tính toán giá bán với mức lợi nhuận hợp lý để duy trì khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Với cơ chế thị trường và thị phần lớn của phân bón sản xuất trong nước nếu phân bón trong nước giảm được giá thành thì mặt bằng giá trong nước nhìn chung sẽ ở xu thế giảm.
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại hội trường vào ngày 29/10/2024, trong đó, nội dung sửa đổi về thuế suất đối với mặt hàng phân bón là một nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho ý kiến.
Tăng thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón lên 5% hay vẫn giữa nguyên theo quy định hiện hành đó là mặt hàng phân bón vẫn ở diện không chịu thuế?, mỗi một kịch bản đều có điểm lợi và điểm bất lợi khác nhau. Không có một kịch bản nào là toàn diện và phải nói là rất khó để so sánh.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, chỉ quyết định chọn được phương án nào nếu như chúng ta lấy cái đối tượng nào làm trọng tâm đó là Nhà nước, doanh nghiệp hay người tiêu dùng - ở đây là người nông dân, mà quyết định. Chúng ta muốn lợi ích của ai là lớn nhất đấy là câu chuyện cần phải bàn kỹ.
Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, sự đóng góp ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn tác động nếu áp thuế giá trị gia tăng đối với thị trường phân bón và hoạt động sản xuất của nông dân của các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, từ đó, nhìn nhận những lợi ích, những băn khoăn vướng mắc nếu triển khai và đề ra các giải pháp để quy định đi vào đời sống xã hội hiệu quả nhất là vấn đề hết sức quan trọng.