Thứ hai 23/12/2024 08:42

Nỗ lực tìm giải pháp tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Ngày 22/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm.

Hội thảo do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì, với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức tín dụng, hiệp hội, doanh nghiệp… Hội thảo là diễn đàn khoa học cho cho các đại biểu trao đổi cởi mở, thẳng thắn, đề xuất các sáng kiến, giải pháp để giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều thách thức lớn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Chúng ta đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế".

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, như Hoa Kỳ thu hẹp 20%, EU 11%, Trung Quốc 10%...

Trong nước, theo khảo sát năm 2022 của Vietnam Report, 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do “di chứng” của đại dịch Covid-19 gây ra, 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng, 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.

"Sang đến năm 2023, tình hình càng trở nên khó khăn hơn, bằng chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp trong vòng từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trước tình hình hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.

Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu, và bảo vệ chuỗi cung ứng... Và đến nay, sự sát sao và quyết liệt này của Chính phủ và sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành đã từng bước tháo gỡ các khó khăn, thách thức, khôi phục niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

"Trong dòng chảy chính sách đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi" - ông Đào Minh Tú nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng.

"Những nỗ lực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển" - Phó Thống đốc nhận định.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, hội thảo tập trung vào các nội dung:

Thứ nhất, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, dự báo triển vọng, nhận diện các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Thứ hai, chia sẻ về các giải pháp, chính sách của các bộ, ngành trong thời gian qua và quan điểm về việc triển khai hiệu quả các giải pháp góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ ba, thảo luận, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thách thức, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ vốn, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng (khai thác ý kiến đa chiều từ các bộ, ngành; tổ chức tín dụng, từ các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu…). Trong đó, tập trung vào các giải pháp cấp thiết, trọng tâm, trọng điểm.

"Với tinh thần cầu thị, Ngân hàng Nhà nước rất mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm tại hội thảo để có thể nhận diện đầy đủ tình hình, xác định được các giải pháp hợp lý, từ đó, phối hợp với các bộ, ngành một cách hiệu quả, giải quyết đúng và trúng các yêu cầu của thực tiễn" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 17,41%, nợ xấu cũng tăng mạnh

Thông tin tại hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5% - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…

Ngày 16/6/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đang tiếp cận khoảng 16 dự án (Agribank 11 dự án, BIDV 5 dự án).

Hiện nay, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng và ngược lại. Theo bà Giang, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%. Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%.

Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng

"Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa 6 sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn" - bà Giang nhận định.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).

Tính đến hết tháng 7/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%), thậm chí chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm ngoái. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14 - 15%.

Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7.

Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Nuôi dưỡng nguồn thu thuế vì nền tài chính lành mạnh của quốc gia

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày