Những suy ngẫm từ bức tâm thư "mong phụ huynh đừng bận tâm ngày 20/10"
Theo dòng sự kiện những ngày vừa qua, bức tâm thư của một giáo viên gửi đến phụ huynh với nội dung "mong phụ huynh đừng bận tâm đến ngày 20/10" đã trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Không chỉ là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, câu chuyện này còn phản ánh nhiều khía cạnh đáng suy ngẫm về áp lực trong môi trường giáo dục, đối với cả giáo viên lẫn phụ huynh.
Chẳng biết từ khi nào, việc tặng quà giáo viên vào các dịp lễ, Tết đã trở thành thông lệ phổ biến, nhưng đồng thời nó cũng vô tình tạo ra áp lực không đáng có cho những gia đình có trẻ nhỏ đi học. Phần lớn các phụ huynh phải dành nhiều thời gian tham khảo, tìm mua món quà làm sao mang đủ giá trị để thể hiện sự trân trọng đối với thầy cô, song lại không được quá đắt đỏ để tránh bị hiểu nhầm là tiêu cực.
Hiếm có thầy cô nào muốn đòi hỏi để "làm giàu" từ nghề giáo, mà phần lớn họ chỉ khao khát có một cuộc sống đủ đầy và được giảm bớt những áp lực không cần thiết. (Ảnh minh họa) |
Ở chiều ngược lại, giáo viên cũng rơi vào tình huống khó xử khi nhận quà, có thể vô tình ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa thầy và trò, thậm chí có rủi ro dấy lên những suy nghĩ không hay từ cả hai phía.
Vì vậy, hành động nhỏ nhưng đong đầy ý nghĩa của một cô giáo ở Bình Định, thông qua bức tâm thư đã khéo léo hóa giải nỗi băn khoăn đó. Nhà giáo này nhấn mạnh giá trị của mối quan hệ thầy trò là trên hết, và đồng thời khẳng định lại sự tôn trọng và tình cảm đều có thể bày tỏ qua nhiều cách, không nhất thiết phải bằng những món quà vật chất.
Bức tâm thư được cộng đồng mạng lan tỏa mạnh mẽ, nhận được không ít lời khen ngợi từ độc giả.
Nếu nhìn nhận nghề giáo dưới góc độ kinh tế thuần túy, như bao ngành nghề khác trong xã hội, bỏ qua những giá trị tinh thần cao cả thì hiện thực đang khá phũ phàng, tình trạng lương thưởng của giáo viên có thể nói là chưa tương xứng với công sức và trách nhiệm mà họ bỏ ra. Không ít các bậc phụ huynh cũng chỉ suy nghĩ đơn giản là nhân lúc sự kiện, ngày lễ để có cớ hỗ trợ thêm cho các thầy, các cô, chứ không phải nhằm tận dụng cơ hội lấy lòng người đang ngày đêm bồi dưỡng kiến thức cho con cái họ.
Các bậc phụ huynh luôn thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của các thầy, các cô. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, nghề giáo được trả lương rất cao so với mặt bằng chung, cùng với đó hưởng nhiều chế độ phúc lợi hơn các ngành nghề thông thường khác. Còn nước ta hiện nay, tiếc rằng mức lương của giáo viên khá khiêm tốn, dẫn đến tình trạng một số giáo viên giỏi phải bỏ nghề hoặc làm thêm công việc nữa để đủ trang trải cuộc sống.
Đây là điều chúng ta đáng phải suy ngẫm!