Ninh Bình: Nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác khuyến công Thanh Hóa: Hiệu quả từ công tác khuyến công |
Hai năm trở lại đây, các hoạt động khuyến công ở các tỉnh, thành trong cả nước đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Bộ Công Thương, các ngành từ Trung ương đến địa phương, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, cũng là năm thứ hai triển khai chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021-2025, hoạt động khuyến công ở các tỉnh, thành phố đã khắc phục những khó khăn, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư, ổn định phát triển, khôi phục sản xuất sau đại dịch.
Tại Hội nghị khuyến công 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc vừa kết thúc tại tỉnh Thanh Hóa, phóng viên Báo Công Thương đã ghi nhanh về hiệu quả công tác khuyến công ở 2 tỉnh Bắc Ninh và Thái Bình.
Bắc Ninh: Triển khai có hiệu quả thực hiện các hoạt động khuyến công
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bắc Ninh đã thu được một số kết quả tích cực như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 14,7% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,4% so với cùng kỳ. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò động lực trong công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chỉ số sử dụng lao động tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 40.403 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ và đạt 58% kế hoạch năm. Hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm tốt nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, ước đạt 49,6 tỷ USD, tăng 15%; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước 24,3 tỷ USD, tăng 4%, nhập khẩu hàng hóa ước 25,3 tỷ USD, tăng 28%.
Để đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động khuyến công theo đúng tinh thần, nội dung, quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/2/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Thành phố Hà Nội tại Hội trợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía bắc tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa |
Gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Hội trợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía bắc tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa |
Với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Chương trình khuyến công sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn theo nguyên tắc chủ động hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ, nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua việc đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công. Các chương trình, đề án khuyến công của tỉnh Bắc Ninh đã hướng tới việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Sở Công thương Bắc Ninh đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh phối hợp với các địa phương và các đơn vị thụ hưởng tổ chức triển khai kế hoạch khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương đã được phê duyệt năm 2022 đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đúng quy định; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hậu Covid-19, nội dung hỗ trợ theo quy định.
Cụ thể: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, Thông tin tuyên truyền, duy trì Website phục vụ công tác khuyến công, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông; Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.
Trong quá trình kiểm tra thực tế các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương cho các cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động tương đối ổn định, các máy móc, thiết bị được hỗ trợ đã nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm. Giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, tăng giá trị sản xuất, sản phẩm hàng hóa được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, số lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và giúp tăng thu nhập cho người lao động.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Sở Công Thương Bắc Ninh đang nỗ lực, phấn đẩy để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022 và tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công nhằm nâng cao chất lượng công tác khuyến công những năm tiếp theo.
Thái Bình: Nỗ lực vượt khó nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công
Không chỉ Bắc Ninh chịu sự tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mà tỉnh Thái Bình cũng gặp không ít khó khăn. Các hoạt động khuyến công của tỉnh Thái Bình cũng như nguồn vốn đối ứng đầu tư của các đơn vị thụ hưởng chương trình khuyến công đều bị ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các đề án. Được sự quan tâm của Bộ Công Thương, năm 2021 tỉnh Thái Bình đã tiếp cận với nguồn kinh phí khuyến công từ Trung ương hỗ trợ 03 đơn vị ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng kinh phí 900 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năm 2021-2022 UBND tỉnh Thái Bình cũng đã quan tâm bố trí 7,7 tỷ đồng triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công để hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong tỉnh chủ yếu tập trung vào hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tổ chức các hội nghị tập huấn về định hướng phát triển chiến lược, quy trình kết nối kinh doanh và các kỹ năng quản lý dự án, giải pháp quản trị chuỗi cung ứng trong kỷ nguyên số cho các doanh nghiệp, tập huấn chuyên môn về an toàn điện, công tác khuyến công cho các tổ chức, cá nhân làm công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh; phổ biến, triển khai các văn bản của Trung ương, địa phương về công tác khuyến công... Qua đó, hoạt động khuyến công đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, tháo gỡ một phần khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra.
Ông Nguyễn Như Nghi giới thiệu về gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Thái Bình tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc |
Tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Như Nghi, Doanh nghiệp điện cơ Thiện Thuận, địa chỉ tại xã Thị Thanh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi gồm máy băm cỏ, máy thái bèo, thái chuối và máy bơm nước các loại. Mong muốn giới thiệu cho người dân ở các vùng miền về sản phẩm với nhiều tiện ích của Thiên Thuận. Nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến công tỉnh Thái Bình, Thiện Thuận đã cho ra sản phẩm này, góp phần giảm sức lao động cho các trang trại chăn nuôi, hộ kinh doanh. Chúng tôi mong muốn qua Hội chợ này sẽ có thêm nhiều khách hàng mới”.
Có thể nói, Chương trình khuyến công đã và đang thu hút được nhiều các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia phát triển sản xuất công nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm mới, đồng thời thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương đem lại lợi ích cho đơn vị sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động khu vực nông thôn.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Bình cần tập trung nâng cao chất lượng hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; Từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công thông qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về công tác khuyến công. Cụ thể hoá bằng các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.