Những cổ phiếu nào sẽ bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán?
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với 57,5 triệu cổ phiếu MCG của Công ty CP Năng lượng và Bất động sản MCG từ ngày 12/5/2023. Nguyên nhân do MCG lỗ 3 năm liên tiếp từ 2020 - 2022: Năm 2022 lỗ ròng 84,5 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 36,8 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 1,2 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 12/5, 35 triệu cổ phiếu UDC của Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ bị hủy niêm yết. Nguyên nhân cũng do công ty lỗ kiểm toán 3 năm liên tiếp.
Trước đó, hơn 182,68 triệu cổ phiếu HAI của Công ty CP Nông dược H.A.I với tổng giá trị hơn 1.826,8 tỷ đồng sẽ bị hủy niêm yết kể từ ngày 18/4/2023.
Nguyên nhân cổ phiếu HAI bị hủy niêm yết vì công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HOSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán. Ảnh: Minh họa |
Theo thông báo, từ ngày 27/4/2023, 8 triệu cổ phiếu HOT của Công ty CP Du lịch - Dịch vụ Hội An cũng bị hủy niêm yết do công ty lỗ ròng kiểm toán trong 3 năm liên tiếp.
Trước đó, ngày 3/4, HOSE thông báo sẽ xem xét hủy niêm yết bắt buộc với 10 triệu cổ phiếu HU3 của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD3 do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, 2021 và 2022 của doanh nghiệp này đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán.
Đáng chú ý, ngày 17/4 tới đây, Công ty CP Thiết bị điện - Thibidi (cổ phiếu THI) sẽ họp Đại hội cổ đông thường niên 2023. THI sẽ dự trình cổ đông thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng, hủy bỏ niêm yết toàn bộ 48,8 triệu cổ phiếu, hủy đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) do không đáp ứng được điều kiện 10% vốn công ty được nắm giữ bởi cổ đông thiểu số không phải cổ đông lớn.
Đặc biệt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có thông báo về việc từ chối đề nghị tạm hoãn công bố thông tin đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Tổng công ty CP Hàng không Việt Nam (cổ phiếu HVN) với lý do đề xuất tạm hoãn của hãng bay quốc gia không thuộc trường hợp bất khả kháng được cho phép giãn hạn.
Trong khi đó, năm 2022, HVN đạt doanh thu gần 71.000 tỷ đồng nhưng do giá nhiên liệu bay cùng tỷ giá tăng mạnh khiến HVN vẫn lỗ trước thuế 10.091 tỷ đồng. Đây cũng là năm lỗ thứ 3 liên tiếp của HVN. Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của HVN tại thời điểm cuối năm 2022 đang âm khoảng 10.200 tỷ.
Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 4, hàng loạt cổ phiếu cũng bị hủy niêm yết bắt buộc như: Cổ phiếu LCS của Công ty CP Licogi 166; cổ phiếu HHG của Công ty CP Hoàng Hà; cổ phiếu VKC của Công ty CP VKC Holdings; cổ phiếu PVL của Công ty CP Đầu tư nhà đất Việt.