Thứ tư 04/12/2024 01:41

Những chiến sĩ tình nguyện trắng đêm 'vá đường' miễn phí ở Gia Lai

Làm việc tốt có nhiều cách song chọn cách đi "vá đường" như các thành viên nhóm Tuyến đường bình yên (TP. Pleiku, Gia Lai) chắc không phải là chuyện thường gặp.

Thấy những tuyến đường giao thông bị hư hỏng, nhiều "ổ voi", "ổ gà" ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân, các tình nguyện viên của dự án "Tuyến đường bình yên" (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã chung tay dặm vá đường vào lúc đêm xuống. Hoạt động ý nghĩa này đã góp phần lan tỏa những điều tử tế trong cộng đồng.

Để những tuyến đường bình yên

Đêm về khuya, dưới bóng sáng mờ ảo của đèn đường trong con ngõ nhỏ nằm trên địa bàn xã Ia Pếch (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), một nhóm người đang cặm cụi trộn bê tông để đắp vào những phần đường lồi lõm.

Một chàng thanh niên áo xanh dùng ánh đèn flash của chiếc điện thoại cầm trên tay ra hiệu cho các phương tiện đang di chuyển nhường đường trong khi các thành viên còn lại xách từng xô hỗn hợp xi măng, cát, đá vừa mới được trộn xong. Thứ hỗn hợp này được họ nhanh chóng lấp đầy vào một chỗ ổ gà rộng chừng hơn 1m và thế là họ "vá đường".

Các tình nguyện viên không kể lứa tuổi của dự án "Tuyến đường bình yên" chung tay dặm vá đường vào lúc đêm xuống. Ảnh: Hiền Mai

Khi hỏi ra mới biết, họ chẳng phải công nhân của một doanh nghiệp nào cả, mà chỉ là những người đang "vá đường" với một mục đích rất cao đẹp là hạn chế cho những người tham gia giao thông khỏi gặp nạn vì những "ổ gà", "ổ voi" trên đường. Trưởng nhóm "vá đường" này là Trung úy Lê Tuấn Thành - Cán bộ Công an xã Hra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).

Chia sẻ về dự án "Tuyến đường bình yên", Trung úy Lê Tuấn Thành cho biết, tháng 9/2023, xuất phát từ thực tế nhiều con đường hư hỏng, gây mất an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai, dự án của nhóm chính thức thành lập.

Trước khi thực hiện, nhóm tiến hành khảo sát những tuyến đường hư hỏng, xin phép chính quyền và kêu gọi mọi người đóng góp kinh phí, lên kế hoạch chuẩn bị vật liệu, máy móc thi công. Kinh phí vá đường ban đầu do các thành viên cùng nhau góp, về sau được nhiều nhà hảo tâm biết, hỗ trợ thêm. Trong quá trình thực hiện, nhóm đi đến đâu cũng được bà con ở đó chào đón, hỗ trợ hết mình.

Chủ nhiệm nhóm "Tuyến đường bình yên" là Trung úy Lê Tuấn Thành - Cán bộ Công an xã Hra. Ảnh: Hiền Mai

Theo anh Thành, vì hầu hết các tình nguyện viên ban ngày đều phải đi làm, đi học nên cả đội tranh thủ "vá đường" vào ban đêm. Một phần cũng vì thời điểm này ít xe cộ qua lại, có thể làm nhanh và trời đêm cũng mát mẻ nên công việc thuận tiện hơn. Có những nơi thiếu sáng, các bạn tự soi đèn pin trộn bê tông để làm.

Lần gần nhất, cả đội đã tập kết đá, cát, xi măng để thực hiện sửa chữa tuyến đường tại xã Ia Pếch (huyện Ia Grai). Tuyến hẻm dài gần 1km, các bạn dùng khoảng 10 khối bê tông lấp vá ổ voi, ổ gà.

Nhiều tuyến đường ở Gia Lai đã được nhóm thiện nguyện "Tuyến đường bình yên" vá lại những ổ voi, ổ gà. Ảnh: Hiền Mai

Hơn một năm đi vào hoạt động, "biệt đội vá đường" của nhóm thiện nguyện đã xóa đi những ổ voi, ổ gà trên hơn 20 tuyến đường với chiều dài khoảng 30km ở nhiều địa phương tỉnh Gia Lai. "Khi di chuyển qua cung đường nào, vị trí nào đã được cả nhóm tu bổ, chúng tôi đều dễ dàng nhận ra. Nhìn những chỗ hư hỏng được lấp đầy, người dân di chuyển an toàn, bản thân chúng tôi như có thêm động lực để làm tiếp công việc này" - anh Thành chia sẻ.

Tất cả trên tinh thần tự nguyện

Nhiều người cho rằng các thành viên của dự án lo chuyện bao đồng song đối với họ, vì tinh thần tự nguyện, tất cả đều chung sức vì việc chung. Có những hôm hoàn thành và kết thúc công việc vá đường vào lúc 1 giờ sáng hôm sau, dù mệt nhưng ai nấy đều vui vẻ thu dọn đồ nghề để ngày sau tiếp tục công việc đi làm, đi học.

Anh Thành cho biết, điều vui nhất trong quá trình các bạn triển khai dự án là việc nhiều gia đình sẵn sàng hỗ trợ nước, thêm dụng cụ để làm, rồi lo nước uống cho đội. Sau mỗi lần hoàn thành một tuyến đường, nhóm anh Thành nhận được vô vàn lời cảm ơn của bà con, cả thư cảm ơn của tổ dân phố và được chính quyền địa phương ghi nhận khiến ai nấy đều cảm thấy ấm lòng.

Sau mỗi lần hoàn thành một tuyến đường, nhóm "Tuyến đường bình yên" nhận được vô vàn lời cảm ơn của bà con. Ảnh: Hiền Mai

Vốn là dân mê làm thiện nguyện, anh Nguyễn Đình Tấn (32 tuổi, tình nguyện tham gia dự án vá đường này) cho hay: "Khi biết tới dự án, tôi thấy việc làm này quá ý nghĩa nên cũng tự đóng góp chút kinh phí, công sức và cùng mọi người làm. Sau mỗi tuyến đường được vá, chúng tôi ai cũng vui khi nghe bà con nói lời cảm ơn".

Chị Lê Kiều Thị Minh Thư - thành viên nhóm vá đường cho biết cơ duyên để chị đến với nhóm cũng thật tình cờ. Trong một lần trò chuyện và được nghe những câu chuyện tử tế về nhóm vá đường của anh Thành, chị và con trai đã xin tham gia. Thế rồi cũng từ đó đến nay, bất cứ khi nào nhóm có lịch, chị Thư lại dẫn theo con trai cùng mọi người rong ruổi khắp nơi để vá đường.

"Ban ngày tôi đi làm việc ở cơ quan, ban đêm tôi cùng với con trai của mình cùng tham gia dự án. Tôi cũng như các thành viên mong muốn làm đẹp con đường để mọi người đi lại thuận tiện hơn và lan tỏa việc làm tốt đẹp với cộng đồng" - chị Thư chia sẻ.

Hoạt động ý nghĩa này đã góp phần lan tỏa những điều tử tế trong cộng đồng. Ảnh: Hiền Mai

Ông Trần Trọng Trung - người dân phường Ia Kring (TP. Pleiku) cho biết, bà con rất vui mừng khi hay tin có nhóm tình nguyện "vá đường" miễn phí. Nhờ nhóm "Tuyến đường bình yên" mà con hẻm của người dân giờ đây đã bằng phẳng, bà con đi lại thuận tiện, ai ai cũng phấn khởi. Đường không còn gồ ghề nên vào mùa mưa bà con đi lại sẽ đỡ vất vả và tránh những tai nạn không đáng có xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, Tổ trưởng tổ dân phố 10 (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: "Hai năm nay, hẻm này đã hư hỏng, phường có kế hoạch sửa chữa nhưng chưa triển khai được. Mới đây, chợ mới di chuyển lên gần đây, lưu lượng xe nhiều khiến hẻm hư thêm trầm trọng. Khi nhóm thiện nguyện đến vá đường, bà con rất phấn khởi, chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn".

Hiền Mai
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Gia Lai

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp dệt may phát huy sức sáng tạo của người lao động

Câu lạc bộ Máu nóng Gia Lai: 7 năm làm cầu nối trao đi những 'giọt hồng' yêu thương

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

TP. Hồ Chí Minh: Tiệm mì 0 đồng lan tỏa yêu thương của những chàng trai Hóc Môn

Phú Thọ: Chủ tịch hội nông dân xã đầu tư tiền tỉ để chế biến, tìm đầu ra cho quả bí đao

Tình người lan tỏa từ 'khu chợ 0 đồng' của chàng trai một chân tại Bình Dương

Cô gái người Dao nuôi khát vọng xây dựng ngành dược liệu Việt vươn tầm quốc tế

Thủy điện Quảng Trị: Anh Nguyễn Trí Thức - Người lãnh đạo gương mẫu, tận tâm

Hỗ trợ người nghèo tham gia ‘lưới’ an sinh: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Người phụ nữ nuôi tham vọng đưa hạt sachi Việt Nam ra thế giới

Lai Châu: Lực lượng Cảnh sát cơ động 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát'

Thừa Thiên Huế: Người kỹ sư điện với cách làm ‘dân vận khéo’

Đồng Nai: Minh 'râu' bán rau và hành trình tặng rau miễn phí cho công nhân

Thanh Hóa: Già làng Thao Văn Sếnh hơn 30 năm bảo vệ giữ gìn cột mốc biên cương

Gia Lai: Dự án 'Hy vọng' ươm mầm cho tương lai trẻ nghèo vùng Chư Prông

Từ việc học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất: Giáo dục đạo đức cho con trẻ rất quan trọng

Quán cơm 0 đồng giúp đỡ người nghèo của chàng trai kinh doanh cho thuê xe ở Đắk Lắk

Nhóm kỹ sư AI Works và việc phát triển sản phẩm phục vụ ngành dầu khí

Nhân viên Điện lực Lâm Đồng trả lại 300 triệu đồng cho người chuyển nhầm tài khoản