Tang vật vụ trộm cắp điện ở ấp Ô Chích, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã bị ngành điện xử lý |
Nhiều hình thức trộm cắp điện tinh vi
Ngày 1/2/2016, nhân viên Điện lực Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh kiểm tra việc sử dụng điện của ông Phan Văn X, ngụ tại ấp Ấp Ô Chích, xã Thông Hoà, huyện Cầu Kè, đã phát hiện ông X tổ chức câu trộm điện. Khi đoàn kiểm tra phát hiện, ông X tự ý cô lập (cắt) dây trung tính vào công tơ điện, đồng thời nối vào điểm trung tính ngoài được làm bằng cọc sắt đóng xuống đất ở khu vực bờ mương nhằm không cho công tơ điện ghi nhận điện năng đã sử dụng. Giám đốc Điện Lực Cầu Kè Huỳnh Chí Hải cho biết, Điện lực Cầu Kè đã lập biên bản và ngừng cung cấp điện cho ông X. Qua tính toán, Ông X đã “câu” được 3.338 kWh, tương đương số tiền bồi thường là 9,3 triệu đồng.
Điện lực Bảo Lâm (Công ty Điện lực Lâm Đồng) mới đây cũng đã phát hiện một trường hợp phá chì điện kế để chặn đĩa nhôm nhằm ăn cắp điện tại thôn 1, xã Lộc Bảo và một vụ câu móc trực tiếp lên lưới hạ thế không qua điện kế tại trạm biến áp 476/448 thuộc thôn 1 xã B’Lá. Hai vụ này đã làm ngành điện thất thoát 5.775kWh điện, tương đương số tiền hơn 16 triệu đồng.
Trong năm 2015, tại địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã kiểm tra sử dụng điện 1.946.076 lượt khách hàng, phát hiện 1.259 trộm cắp điện, sản lượng điện bồi thường hơn 4 triệu kWh, tương đương 11,9 tỷ đồng; đã xử lý 1.207 vụ với điện năng bồi thường 3,8 triệu kWh, tương ứng 10,9 tỷ đồng.
Trong các vụ vi phạm đã bị xử lý trong năm 2015, đã xảy ra 423 vụ ăn cắp điện thông qua tác động trước công tơ; 635 vụ tác động trực tiếp vào công tơ; 201 vụ tác động gián tiếp vào công tơ (dùng máy tạo dòng 12 vụ, dùng nam châm 67 vụ). Nạn trộm cắp điện xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực sinh hoạt, chiếm 92,70%; tiếp đến là sản xuất (3,73%), kinh doanh (3,43%), nông lâm nghiệp-thủy sản chiếm 0,15%. Địa bàn xảy ra tình trạng trộm cắp điện nhiều nhất thuộc về tỉnh Đồng Nai với 367 vụ, Bà Rịa Vũng Tàu (82 vụ), Hậu Giang (81 vụ), Bình Thuận 4 vụ và Trà Vinh 1 vụ.
Nhân viên điện lực tỉnh Đồng Tháp kiểm tra tình hình thất thoát, mất cắp điện trên đường dây |
Khó xử lý nạn trộm cắp điện
Đại diện Ban Kiểm tra giám sát mua bán điện của EVN SPC cho biết, không ít người tìm mọi cách gian lận để trộm cắp điện từ thô sơ đến tinh vi vẫn tiếp tục diễn ra và ngành điện rất khó kiểm soát.
Giám đốc Công ty Điện Lực Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ, ngày nay các thiết bị dùng để trộm cắp điện với đủ loại rất dễ mua trên thị trường, mặt khác khi các vụ vi phạm sử dụng điện như dùng nam châm được thông tin rộng rãi trên mạng nhưng ngành điện chưa tìm ra được biện pháp ngăn chặn, việc này vô hình trung phổ biến và tiếp tay cho vi phạm. Gần đây cũng đã xuất hiện một số đối tượng còn rao bán các loại máy làm giảm tiêu thụ điện, hoặc cách đấu nối hệ thống mạch điện trong nhà làm giảm tiền điện đã lôi kéo được một số khách hàng tham gia.
Vấn nạn trộm cắp điện tại khu vực miền Nam trong ba năm gần đây tuy có giảm: năm 2013 phát hiện 2.279 vụ; năm 2014 phát hiện 1.651 vụ và năm 2015 phát hiện 1.259 vụ, tuy nhiên lượng điện năng thất thoát do trộm cắp vẫn diễn ra trên diện rộng, trong đó khu vực thành thị chiếm tỷ lệ 36,5% và nông thôn chiếm 63.5%. Theo Phó Tổng giám đốc EVN SPC Nguyễn Phước Đức, nguyên nhân nạn trộm cắp điện vẫn tiếp tục gây nhức nhối cho xã hội là do các đường dây hạ thế băng ngang qua đất rẫy, ao nuôi tôm ở vùng nông thôn nên công tác kiểm tra khách hàng sử dụng điện vào ban đêm gặp rất nhiều khó khăn. Hành vi trộm cắp điện tinh vi như phá chì kiểm định điều chỉnh hoặc thay đổi kết cấu bánh nhông ban đầu của công tơ, sau đó niêm lại chì giả giống như chì niêm thật ban đầu, không để lại tang chứng và rất dễ phi tang tang vật nên nhân viên kiểm tra khó phát hiện.