Nhiều địa phương chưa quyết liệt trong quản lý giá
Cụ thể, tại nhiều địa phương chưa ban hành quyết định về cơ chế quản lý, điều hành về giá phù hợp với quy định của Luật Giá; một số DN chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước vận tải phù hợp với giảm giá nhiên liệu, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…
Từ thực tế này, Bộ Tài chính đã yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện ngay công tác quản lý nhà nước về giá trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá Tết. Đặc biệt chú trọng tới việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; trước hết là kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất. Thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, nhất là mặt hàng xăng, dầu. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Không để xảy ra mất cân đối cung- cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ; tăng cường thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá kết hợp với đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia không cần hỗ trợ vốn vay từ ngân sách nhà nước; giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, xăng dầu, có phương án dự phòng để bảo đảm đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.