Nhiều cơ hội xuất khẩu trong năm 2024
Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua khó khăn để dần hồi phục mạnh mẽ về cuối năm. Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: Năm 2024 có nhiều cơ hội giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam phục hồi.
Dây chuyền sản xuất và lắp ráp ô-tô của Nhà máy sản xuất ô-tô VinFast, Khu công nghiệp Ðình Vũ (Hải Phòng). (Ảnh AN KHÁNH) |
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ những khó khăn, phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại (FTA), phấn đấu xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 6% so với năm 2023.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những dấu ấn đậm nét trong công tác quản lý, điều hành đã giúp cho hoạt động xuất khẩu đạt được những kết quả hồi phục tích cực trong thời gian qua?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2023, tổng cầu thế giới sụt giảm là yếu tố tác động mạnh nhất, trực tiếp nhất, mang đến khó khăn đối với hoạt động ngoại thương của các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn và ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, do vậy đối mặt với những rủi ro, thách thức càng lớn. Xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn ở hầu hết các thị trường, cũng như ở đa số các ngành hàng.
Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua khó khăn và ghi nhận một số điểm tích cực: Kim ngạch xuất khẩu có sự phục hồi qua các tháng; cán cân thương mại cả năm xuất siêu năm thứ tám liên tiếp với mức thặng dư 28,3 tỷ USD, tăng gần ba lần so năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khu vực kinh tế trong nước đã nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Mức giảm xuất khẩu khu vực này trong năm 2023 (giảm 0,3%) thấp hơn nhiều so với mức giảm của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (6,1%) và thấp hơn với mức giảm kim ngạch chung của cả nước (giảm 4,6%). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam có kim ngạch giảm, tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường thay thế đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì đơn hàng cho các doanh nghiệp, khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương và thành quả của những nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, có thể kể tới như xuất khẩu sang Indonesia năm 2023 đạt 5,1 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2022; xuất khẩu sang Saudi Arabia đạt 1,1 tỷ USD, tăng 57,5%; xuất khẩu sang thị trường Anh đạt 6,3 tỷ USD, tăng 4,6%;… |
Ðể xuất khẩu đạt được những kết quả hồi phục tích cực thời gian qua, với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường. Bộ đã chủ động theo dõi, tham mưu các giải pháp ứng phó, cũng như thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Các đơn vị của Bộ thường xuyên thông tin tới các hiệp hội ngành hàng về diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường chịu rủi ro thấp hơn bởi lạm phát. Bộ cũng chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cung cấp thông tin, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam; cảnh báo sớm “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả để đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu.
Mặt khác, Bộ Công thương đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn tất đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do như FTA giữa Việt Nam và Israel; đàm phán việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP; thống nhất về nguyên tắc kết thúc đàm phán, hướng tới sớm ký FTA với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), mở cánh cửa vào thị trường Trung Ðông với quy mô GDP khoảng 2.000 tỷ USD; đồng thời, đôn đốc, phối hợp các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA bảo đảm cao nhất lợi ích của Việt Nam trong quá trình triển khai các cam kết quốc tế.
Bộ Công thương cũng chú trọng đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mục tiêu nhanh hơn, hiệu quả hơn; chủ động phối hợp thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng, phát triển và quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài để duy trì, củng cố các thị trường truyền thống cũng như phát triển thị trường mới.
Trong năm 2023, khi thị trường các nước phương Tây chịu ảnh hưởng nặng nề của lạm phát, Bộ Công thương đã xác định xuất khẩu vào Trung Quốc khi thị trường này mở cửa trở lại là yếu tố quan trọng để hỗ trợ xuất khẩu. Từ đó, Bộ đã đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch; điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, hàng hóa xuất khẩu về cơ bản khắc phục được tình trạng ách tắc, kể cả vào thời điểm cao vụ.
Phóng viên: Bộ trưởng đánh giá thế nào về những thuận lợi và khó khăn đối với hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới, cũng như những điểm trọng tâm trong năm hành động 2024 để tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng hoạt động xuất khẩu?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bước sang năm 2024, Bộ Công thương đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Kết quả xuất nhập khẩu cũng bước đầu ghi nhận tín hiệu tích cực từ các tháng cuối năm 2023 khi kim ngạch đã có sự phục hồi đáng kể.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân năm 2023 duy trì ở mức tương đương năm 2022, vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng hơn 45% so với cùng kỳ. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong thời gian qua sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về bối cảnh quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024 để thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục, Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Ðối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nhất là khi xung đột Nga-Ukraine và mới đây là Israel-Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc. Các tổ chức quốc tế lo ngại nếu cuộc xung đột tại Israel lan rộng ra toàn khu vực Trung Ðông, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn.
Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!.