Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới
Đã đầu tư sang 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới
Tại phiên thảo luận với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động” nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên "Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp và trọng tài", do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Vũ Văn Chung – Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Hiện Việt Nam có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 22,25 tỷ USD.
Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới |
Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đã hiện diện tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thương hiệu nổi bật của Việt Nam trong hành trình “đem chuông đi đánh xứ người” như: PetroVietNam; Viettel; Vingroup; Vinachem; FPT, Vinamilk…
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tập trung vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống và có thế mạnh như khoáng sản, năng lượng, nông-lâm nghiệp, viễn thông… các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đầu tư ra các lĩnh vực khác như: Công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại đang có xu hướng gia tăng đáng kể.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, 10 năm trước đây, khi lần đầu tiên Cục Đầu tư nước ngoài công bố những đồng lợi nhuận đầu tiên được các doanh nghiệp Việt Nam, như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai... chuyển về nước, nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến chuyện đầu tư ra nước ngoài đã có những trái ngọt đầu tiên.
“Và kể từ đó đến nay, những thành công của Viettel, FPT, Vinamilk... tại thị trường ngoại đã càng khẳng định tính đúng đắn của xu hướng này khi doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn, đưa trí tuệ Việt Nam quảng bá ra thế giới; mang sản phẩm dịch vụ Make in VietNam ra nước ngoài và thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, ổn định tiền tệ quốc gia” – ông Vũ Tiến Lộc thông tin.
Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực tại nước ngoài |
Nhiều chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài
Về chính sách hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài, ông Vũ Văn Chung cho rằng: Việt Nam có định hướng đầu tư ra nước ngoài rõ ràng, tạo lập khuôn khổ pháp lý theo hướng rõ ràng, minh bạch và thuận lợi; Việt Nam cũng có một số chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và hỗ trợ thông qua hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế.
Cụ thể, chính sách hỗ trợ tài chính với doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài phải kể đến là, doanh nghiệp có thể được vay tối đa 70% vốn từ tổ chức tín dụng để đầu tư ra nước ngoài theo Thông tư 36/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Đặc biệt, hiện đã có nhiều tổ chức tín dụng của Việt Nam như: Vietcombank, Vietinbank, Agribank, MB, SHB, ACB… đã mở chi nhánh ngân hàng con ở nước ngoài để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Những thương hiệu nổi bật trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài |
Việt Nam cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, điển hình như tại Khoản 4, Điều 69, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có quy định, nhà đầu tư được tạo điều kiện để hoán đổi cổ phần trong công ty của mình tại Việt Nam với đối tác nước ngoài để hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Về định hướng đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới, ông Vũ Văn Chung cho rằng, Nghị quyết số 66-NQ/CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Nghị quyết 66-NQ/CP cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm. Đặc biệt, có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Với những mục tiêu đó, để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, Khoản 8 Điều 99 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng yêu cầu, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với các cơ quan liên quan, nắm bắt thông tin và hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và việc chấp hành các quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư Việt Nam tại nước ngoài; hỗ trợ, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án đầu tư ở nước sở tại, phù hợp với các quy định tại Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.