Nhiều bộ, địa phương đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 12 tháng năm 2022 ước đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%).
Các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Thuỳ Linh |
Trong đó, vốn trong nước đạt 77,74% (cùng kỳ năm 2021 đạt 83,66%), vốn nước ngoài đạt 33,65% (cùng kỳ năm 2021 đạt 26,77%).
Ước đến hết tháng 12/2022, có 12 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Hội Nhà văn (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (92,62%), Ninh Bình (96,7%), Hà Nam (94,3%), Bình Định (93,6%), Kiên Giang (90,6%), Phú Thọ (90,3%)…
Đáng chú ý, vẫn còn 28/52 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 65%, trong đó có 17 bộ và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ là do năm 2022 vẫn là năm chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19. Cùng với đó giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao; tình trạng chậm giải phóng mặt bằng; khan hiếm về nguồn cung vật liệu cát, đá để san lấp; cơ chế phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong triển khai dự án đầu tư công chưa hiệu quả; năng lực triển khai của các chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế...
Các nguyên nhân này đã được các Tổ công tác thành lập theo Quyết định số 548/QĐ-TTg (trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính là tổ trưởng Tổ công tác số 6) tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.