Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,56 tỷ USD Dự kiến xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 sẽ đạt 54 tỷ USD |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kết quả công tác phát triển thị trường nông sản 6 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với năm 2022. Xuất khẩu gạo, rau quả, điều, cà phê tăng trưởng ứng 34,7%, 64,2%, 7,7%, 3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu gạo và rau quả gia tăng đột biến.
Rau quả là một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 |
Nhận định về tình hình thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trọng điểm những tháng đầu năm và tiềm năng những tháng cuối năm, báo cáo nêu rõ, với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm của 4/9 mặt hàng tăng mạnh về giá trị là rau quả (1,2 tỷ USD, tăng 80,2%), gạo (364 triệu USD, tăng 79,2%), hạt điều (198,8 triệu USD, trên 50,9%) và chè (4,2 triệu USD, tăng 58,7%); 5/9 mặt hàng suy giảm là sản phẩm mây, tre, cói thảm (2,05 triệu USD, giảm 40,3%) thủy sản (512,6 triệu USD, giảm 25,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (586 triệu USD, giảm 20,2%), sắn và sản phẩm sắn (467,6 triệu USD, giảm 18,8%), cao su (600 triệu USD, giảm 12,6%).
Việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hạn chế lây lan dịch Covid-19 đã giải phóng nhu cầu trong nước, tăng doanh thu khu vực du lịch và giải trí, giúp kinh tế phục hồi; triển khai nhiều chính sách kinh tế, chính trị mạnh mẽ nhằm phát triển kinh tế và tăng cường an ninh lương thực, nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi.
Theo WB, dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023.
Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ khi một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn có thể duy trì tăng trưởng, các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.
Với thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có 1 mặt hàng cà phê tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm (đạt 145,2 triệu USD, tăng 16%), còn lại 9 mặt hàng đều suy giảm, giảm mạnh nhất là cao su (9,5 triệu USD, giảm 60,1%), thủy sản (562,5 triệu USD, giảm 48,3%), gỗ (2,6 tỷ USD, giảm 35,6%), hạt tiêu (83,9 triệu USD, giảm 34,2%), chè (2,7 triệu USD, giảm 39,8%).
Theo WB, tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ dự báo yếu đi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ước đạt 1,1% năm 2023. Tiêu dùng trong dân đã phục hồi nhưng còn chậm, các nhóm hàng chiếm thị phần xuất khẩu lớn như gỗ và thủy sản có thể có nhu cầu tăng nhẹ vào 3 tháng cuối năm. Hoa Kỳ đã trở lại là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 5/2023 cho thấy tín hiệu thị trường đã có dấu hiệu tốt dần lên.
Thứ ba là thị trường Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Cả 3 mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường đều suy giảm giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm, bao gồm: gỗ (677 triệu USD, giảm 0,2%), thủy sản (580,2 triệu USD, giảm 9,2%) và cà phê (128,5 triệu USD, giảm 3%). Một số mặt hàng tăng trưởng là rau quả (5,3%), hạt điều (15,4%) và sẵn và sản phẩm sắn tăng mạnh (947,4%).
Theo WB, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản dự báo chậm lại do thắt chặt chính sách tiền tệ, ước đạt 0,8% năm 2023. Nhu cầu của người tiêu dùng bị kìm hãm bởi sự chậm trễ về tăng trưởng chính sách tiền lương thực tế, hiện đang tăng cường các chính sách khuyến khích tiêu dùng trong nước và khuyến khích người dân đi du lịch nước ngoài.
Thứ tư là thị trường EU. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,1 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ; EU đối mặt với khủng hoảng năng lượng và cơn sốt giá thực phẩm dẫn đến suy thoái kinh tế, cắt giảm tiêu thụ thực phẩm tại nhiều nước bao gồm cả quốc gia đầu tầu như Đức, xu hướng chuyển dịch chính sách kinh tế sang các khu vực thị trường mới.
Thứ năm là thị trường Asean. Xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Asean trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Indonesia tăng trưởng vượt bậc (300,3%) nhờ xuất khẩu gạo (tăng 1.519,3%), cà phê (tăng 185,5%), Philippines tăng trưởng 14,4% (chủ yếu là gạo tăng 31,1%), Singapore tăng 4,8%.
Theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng trong - khu vực Asean dần bình thường hóa sau khi phục hồi mạnh vào năm 2022, dự báo đạt 4,7% năm 2023. Sự phục hồi phần lớn do mở cửa kinh tế trở lại của các nước trong khu vực. Ngoài ra, xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng quốc tế hiện nay cũng là cơ hội để các quốc gia trong khu vực tiếp cận với các thị trường mới (trong đó có Việt Nam).