Thứ ba 05/11/2024 13:24

Nhà tù Sơn La - Chứng tích hào hùng của cách mạng Việt Nam: Kỳ 4: Cuộc vượt ngục ly kỳ

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, 4 chiến sỹ cộng sản đã vượt ngục thành công, nhưng rồi... đã có sự hy sinh thầm lặng của một thanh niên người Thái quả cảm, gan dạ.

Từ cuộc vượt ngục thất bại…

Trước năm 1939, nhằm đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam đang dâng cao, thực dân Pháp đã cho xây dựng hàng loạt các nhà tù ở tỉnh lỵ để giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước. Đứng đầu là nhà tù Côn Đảo, sau đó là hàng loạt các nhà tù như Nhà tù Chợ Chu- Thái Nguyên, Nhà tù Lao Bảo- Quảng trị, Nhà đày Buôn Mê Thuột... Nhà tù Sơn La là một trong những nhà tù lớn chỉ đứng sau nhà tù Côn Đảo.

Hai Nhà tù này mặc dù ở hai miền đất nước có khoảng cách xa về địa lý nhưng có điểm chung đều được xây dựng cách xa trung tâm văn hóa chính trị của đất nước, nằm biệt lập với thế giới bên ngoài; Nếu như Nhà tù Côn Đảo bốn bề là nước, dân cư thưa thớt thì tại nhà tù Sơn La bốn bề là rừng núi, vi trùng sốt rét hoành hành dữ dội, dân cư thưa thớt và trình độ lạc hậu nên thực dân Pháp dễ bề cai trị.

Tấm biển đỏ chỉ nơi các chiến sỹ cộng sản vượt ngục thành công năm 1943

Tại Nhà tù Sơn La, hàng ngày tù nhân đi lao động khổ sai bên ngoài cách 10 -15 km nhưng rất khó để có thể trốn được. Vì nếu trốn sẽ chịu sự kiểm soát gắt gao của cai ngục, không thông thạo địa hình rừng núi, không biết tiếng dân tộc, không giấy tờ tùy thân thì càng không qua mắt được bọn phìa tạo, phản động địa phương.

Có lẽ đó cũng là lý do khiến cuộc vượt ngục của đồng chí Đàm Văn Lý và đồng chí Đàm Văn Sàng tại Nhà tù Sơn La vào năm 1941 thất bại. Theo đó, hai đồng chí Lý và Sang khi ra ngoài lao động khổ sai, thấy lính canh lơ là, hai đồng chí đã rủ nhau bỏ trốn.

Đây là cuộc vượt ngục tự phát, không có sự chỉ đạo của chi bộ, hai đồng chí không được chuẩn bị, không thuộc địa hình nên bỏ chạy được 3 ngày thì lạc đường, chỉ cách nhà tù Sơn La 30 cây số.

Quyết không để tù nhân chạy thoát, thực dân Pháp đã huy động phản động địa phương truy tìm gắt gao với giá treo thưởng: Bắt được một tù chính trị vượt ngục được thưởng bạc và muối, và 1 đầu tù chính trị trị giá gấp 10 lần, 20 đồng bạc trắng hoặc 5 tạ muối. Vì vậy, phản động địa phương lùng sục ngày đêm và bắt được đồng chí Đàm Văn Lý, chặt đầu, rồi nộp cho tên công sứ Sơn La và nhận thưởng 5 tạ muối.

Còn đồng chí Đàm Văn Sàng bỏ chạy vào một cái hang trong núi, bị chúng cho lấp kín cửa hang nên đã bị mất tích trong đó.

Tàn bạo hơn, cai ngục đã bêu đầu đồng chí Lý trên một chiếc hòm gỗ, đặt trên lối ra vào duy nhất của tù nhân để uy hiếp tinh thần anh em, tên cai ngục còn đe dọa rằng: "Đừng có tìm cách trốn, thổ dân sẽ chặt đầu các anh đem về đổi lấy muối". Đau lòng và bất bình, chi bộ đã đấu tranh, cai ngục mới cho đem chôn đầu đồng chí Đàm Văn Lý.

Đến chuẩn bị chu đáo…

Năm 1943, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, phong trào cách mạng nước ta đang phát triển mạnh mẽ, rầm rộ, đòi hỏi nhiều đảng viên có kinh nghiệm, có uy tín để lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau các cuộc càn quét, bắt bớ của thực dân Pháp, nhiều lãnh đạo cốt cán của Đảng bị cầm cố trong các nhà tù. Do đó, việc bố trí đưa một số cán bộ ra khỏi nhà tù đế quốc, trở về tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng là yêu cầu cấp thiết của Đảng ta lúc bấy giờ.

Chi bộ nhà tù Sơn La đã chủ trương tổ chức đưa một số đồng chí vượt ngục về xuôi tiếp ứng phong trào. Trước hết, chi bộ đã đề ra tiêu chuẩn để lựa chọn: Tinh thần kiên định, mưu trí, sức khỏe tốt; Những đồng chí có năng lực và tín nhiệm mà Đảng đang rất cần, nhất là các đồng chí xuất thân từ thành phần giai cấp công nhân; Có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thận trọng.

Ngoài các tiêu chuẩn trên, Chi ủy cũng quan tâm đến những đồng chí bị giam cầm lâu ngày trong tù, cần được ưu tiên ra ngoài hoạt động. Chi bộ cũng nhận định rằng, nhân tố quyết định thành công của cuộc vượt ngục là phải có người dẫn đường.

Mô phỏng tượng các tù chính trị họp bàn tại một trại giam

Chi bộ đã xem xét và quyết định chọn anh Lò Văn Giá, một thanh niên người Thái, hoạt động trong tổ chức Thanh niên cứu quốc. Anh Giá sinh năm 1919, quê ở bản Cọ, Mường La (nay là thành phố Sơn La), mồ côi cả cha lẫn mẹ, được chú thím nuôi ăn học trở thành hương sư, đã có vợ và 2 con nhỏ. Anh Lò Văn Giá thông minh, dũng cảm, có tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng, giỏi cả tiếng Mông và rất thông thạo vùng địa hình Tây Bắc.

Chi bộ đã thông qua kế hoạch vượt ngục và danh sách gồm 3 đồng chí: Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu và Trần Đăng Ninh. Bởi vì, ngoài các tiêu chuẩn nói trên, 2 đồng chí Trân và Hiểu biết nói tiếng Thái, có quan hệ chặt chẽ với tổ chức Thanh niên cứu quốc Mường La, có kinh nghiệm sử dụng sơ đồ, sa bàn, thông thạo đường đi, lối lại…

Sắp đến ngày vượt ngục, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ) đề nghị chi bộ xin vượt ngục, lúc này sức khỏe rất yếu nhưng trước sau vẫn kiên trì đề nghị: "Vô luận thế nào, các đồng chí không tổ chức vượt ngục thì thôi, đã tổ chức thì phải để tôi tham gia. Tất cả mọi khó khăn, nguy hiểm, các đồng chí chịu đựng được thì tôi cũng chịu đựng được, cùng nữa phải hy sinh giữa đường cũng phải chịu". Chi bộ đã đồng ý với đề nghị của đồng chí Sao Đỏ.

Để cuộc vượt ngục có thể thành công, chi bộ đã chuẩn bị chu đáo những vật dụng cần thiết, mỗi người đều có tiền, tấm nilon vừa là chiếu, vừa làm áo mưa, dép cao su (thêm 1 bộ quai dự trữ), 1 gói muối ớt (gia vị chính trong bữa ăn có tác dụng chống rét), 1 con dao rừng và thuốc men.

Chi bộ còn trích tiền quỹ nhờ anh Giá mua sẵn quần áo dân tộc Thái, gạo, muối, diêm để cải trang thành người dân tộc đi buôn. Đặc biệt, đoàn vượt ngục còn có một tấm bản đồ quân sự tỉ mỉ để nghiên cứu trước đường đi. Mỗi người còn có một thẻ căn cước của Pháp mang tên khác, những thứ vô cùng quý giá này là do đồng chí Bế Nhật Huấn, người có cảm tình với cách mạng, thư ký tòa công sứ Pháp cung cấp.

Hiểm nguy rình rập…

Bắt đầu cuộc vượt ngục, sáng ngày 03/8/1943, đoàn tù vượt ngục đã được chi bộ bố trí tráo đổi với 4 tù nhân lao động tự giác, khi ra ngoài lao động đã bỏ trốn ra địa điểm hẹn với anh Giá. Theo kế hoạch, đoàn tù vượt ngục sẽ đến bến phà Tạ Chan để vượt sông Đà sang tỉnh Yên Bái về Chiên khu Vần - Hiền Lương (Phú Thọ). Nhưng khi đến đây, nước sông Đà dâng cao lại chảy xiết, không thể đợi được lâu nên các đồng chí quyết định đổi hướng đi theo đường số 41 (nay là quốc lộ 6).

Đoàn tù vượt ngục chia làm 2 nhóm: Đồng chí Sao Đỏ và Trần Đăng Ninh mặc quần áo người kinh, mang thẻ thuế thân người kinh; đồng chí Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu và anh Giá mặc quần áo người Thái, mang thẻ thuế thân người Thái.

Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Nhà tù Sơn La

Mỗi nhóm đi cách nhau 100m, mọi người phải hết sức bí mật, cảnh giác trong khi tiếp xúc với những người lạ mặt, thống nhất với nhau một câu trả lời với bọn phìa tại địa phương khi chúng xét hỏi: "Chúng tôi từ Phù Yên đi Tạ Khoa đến Mộc Châu để mua hàng của bà Cả Thịnh".

Trong khi nhóm của đồng chí Trân đi trót lọt thì nhóm của đồng chí Sao Đỏ bị phìa Yên Châu hỏi thẻ thuế thân và các giấy tờ đi đường khác. May nhờ đủ giấy tờ hợp lệ và trả lời rành rọt mà 2 đồng chí mới thoát khỏi Yên Châu và theo kịp nhóm trước.

Cuộc vượt ngục duy nhất thành công...

Vượt qua Yên Châu, Mộc Châu, đến ngày thứ 5 của cuộc hành trình, đoàn đến đèo Pu Luông. Ngay hôm đó, lệnh truy nã 4 tù nhân vượt ngục của thực dân Pháp cũng vừa tới Pu Luông với nội dung: Treo thưởng rất lớn cho ai bắt được 4 tù nhân cộng sản vượt ngục, nếu ai trái lệnh, chứa chấp những kẻ phạm pháp sẽ bị trừng trị.

Cuộc truy lùng 4 tù nhân của chính quyền các địa phương ngày càng ráo riết. Trên đường tới Suối Rút (Hòa Bình), đến bản Bông, đoàn bị tên tạo Mộc Hạ đang truy tìm 4 người tù vượt ngục, chặn đường hỏi: "Các anh đi đâu? Giấy tờ hộ thân đâu". Mọi người bình tĩnh trả lời, xuất trình thẻ căn cước nên hắn để cho anh em tiếp tục lên đường.

Phút chia tay cảm động

Giờ phút chia tay giữa 4 người tù vượt ngục và anh Lò Văn Giá thật cảm động. Trong cuốn "Hai lần vượt ngục", đồng chí Trần Đăng Ninh đã chia sẻ: "Anh thanh niên Thái đưa chúng tôi đến đây là hết phận sự. Chúng tôi cùng anh từ biệt, bùi ngùi cảm động. Thuyền xa, chúng tôi còn nhìn theo người Thanh niên Thái và khắc tên Giá của anh vào lòng…".

Hôm đó, nhóm đồng chí Trân, Hiểu và Giá đến Suối Rút trước, còn nhóm đồng chí Sao Đỏ đến sau. Năm anh em gặp nhau, vui mừng khôn xiết, quyết định ăn mừng bằng bữa cơm liên hoan.

Ăn uống xong, đồng chí Trân và Hiểu tập trung tiền, thuốc men trao cho anh Lò Văn Giá, khuyên anh Giá không nên về nhà vội mà hãy tạm lánh lên vùng rẻo cao để dạy học cho đồng bào Mông một thời gian, để chờ tình hình yên ổn, bắt được liên lạc với chi bộ Nhà tù Sơn La rồi mới quay lại Mường La.

Anh Giá bình tĩnh trả lời: "Các anh cứ yên tâm, không phải lo cho tôi. Tôi đã có cách xử lý, chỉ mong các anh đi trót lọt là tôi mừng".

Chiều ngày 13/8/1943, đoàn tù nhân chính trị vượt ngục đã về đến Hà Đông, nhanh chóng bắt liên lạc với Thành ủy Hà Nội và cơ quan liên lạc Trung ương Đảng. Cuộc vượt ngục đã thành công tốt đẹp, đó là nhờ chi bộ Nhà tù Sơn La chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, giữ được nguyên tắc bí mật triệt để.

Đặc biệt nhờ 4 chiến sỹ cộng sản quyết tâm, gan dạ và anh Lò Văn Giá dẫn đường dũng cảm, mưu trí, xử lý các tình huống bình tĩnh, khéo léo theo đúng kế hoạch đặt ra.

Hình ảnh của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La được trưng bày tại Bảo tàng Sơn La

Đoàn vượt ngục thành công đã bắt được liên lạc với Trung ương Đảng. Trung ương Đảng đã cử đồng chí Bình Phương làm liên lạc với chi bộ nhà tù Sơn La, đồng thời tìm mọi cách để tuyên truyền cách mạng và gây dựng cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù. Lấy địa điểm Cây đa Bản Hẹo là nơi liên lạc và trung chuyển tài liệu.

Đồng chí Bình Phương cũng được giao nhiệm vụ truyền đạt một số chủ trương quan trọng của Trung ương Đảng: Quân đội Liên Xô và các nước đồng minh sẽ thắng. Đức, Nhật, Pháp ở Đông Dương sẽ đánh nhau, lúc đó thời cơ giành chính quyền sẽ xuất hiện, ta phải chuẩn bị lực lượng đón thời cơ.

Nhận được Chỉ thị của Trung ương Đảng trong thời điểm này là vô cùng quan trọng với chi bộ Nhà tù Sơn La. Từ năm 1943 trở đi, chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Trung ương Đảng công nhận là chi bộ chính thức, đặc biệt, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, chi bộ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Sơn La.

Cuộc vượt ngục thành công duy nhất ở Nhà tù Sơn La đã cổ vũ cho các tù nhân chính trị ở các nhà tù khác vượt ngục. Riêng đối với Nhà tù Sơn La, cuộc vượt ngục thành công, có ý nghĩa quan trọng, cổ vũ tinh thần đấu tranh của tù nhân chính trị Nhà tù Sơn La, củng cố niềm tin của anh em với sự lãnh đạo của chi bộ.

Và sự hy sinh thầm lặng!

Sau khi hoàn thành vai trò dẫn đường giúp 4 chiến sỹ cộng sản vượt ngục thành công, anh Lò Văn Giá quay lại Sơn La đã bị thực dân Pháp bắt ngay. Mặc dù bị tra tấn rất dã man nhưng anh một mực không khai nhận mối quan hệ với tù chính trị. Đồng thời, anh cũng nhờ vợ mình đưa thông tin đến chi bộ Nhà tù Sơn La rằng anh không để lộ bất cứ thông tin gì liên quan đến hoạt động của chi bộ và tổ thanh niên Thái cứu quốc để chi bộ yên tâm đối phó với thực dân Pháp.

Một thời gian giam cầm, tra tấn không khuất phục được ý chí của thanh niên người Thái dũng cảm, cũng không có chứng cứ để kết án, chúng đã hèn hạ bí mật thủ tiêu anh trong rừng.

Sự dã man, hiểm độc này đã phơi bày sự bất lực của kẻ thù trước ý chí đấu tranh của thanh niên người Thái. Và chính sự hy sinh dũng cảm của anh vì quê hương, đất nước đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho người dân địa phương một lòng hướng về cách mạng.

Ghi nhận công lao to lớn và đóng góp của anh vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 1994 anh Lò Văn Giá được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hơn hết, để ghi nhớ và tri ân những đóng góp của anh cho cuộc chiến tranh chống đế quốc Pháp giải phóng dân tộc, nhiều con đường và trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được mang tên anh...

Kỳ Cuối: Tô Hiệu - Sáng mãi ngọn đuốc kiên trung, bất khuất

Đỗ Nga

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Hàng xóm đào móng, nhà 3 tầng đổ sập, thêm nhà khác lún nghiêng

Nhân sự 4/11: Bộ Công an điều động Giám đốc Công an tỉnh; Ngân hàng Nhà nước có tân Vụ trưởng

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 5/11/2024: Gió mùa Đông Bắc tràn về, miền Bắc trở rét, miền Trung mưa lớn

Dự báo thời tiết Hà Nội hôm nay 5/11/2024: Hà Nội sáng và đêm trời rét, nền nhiệt giảm sâu

Dự báo thời tiết biển hôm nay 5/11/2024: Gió Đông Bắc mạnh, sóng gió lớn, mưa dông, biển động mạnh

Hội đồng giáo sư Nhà nước bỏ phiếu công nhận 45 giáo sư, 570 phó giáo sư

Nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử: Chuyên gia khuyến nghị gì cho Việt Nam?

TP. Hồ Chí Minh: Phòng khám Mary và hàng loạt cơ sở bị tước giấy phép khám chữa bệnh

EVNHANOI cảnh báo mạo danh nhân viên điện lực liên hệ khách hàng yêu cầu thanh toán tiền điện

Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ làm Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa

Việt Nam sẽ có đường sắt hiện đại kết nối với Trung Quốc?

Tây Ninh: Hỗ trợ chữa cháy tại 1 casino ở Campuchia, cứu thoát 4 người

Dự báo thời tiết ngày mai 5/11/2024: Mưa dông ở cả ba miền, Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi mưa lớn trên 500mm

Từ ngày 1/7/2025 lương hưu được điều chỉnh như thế nào?

Thực hành tốt 5S tại doanh nghiệp để mang lại hiệu quả năng suất tối ưu

Nhà tập thể, nhà tái định cư xuống cấp giá vẫn cao ngất ngưởng, vì sao?

Kẻ đi chơi xa, người ở nhà thanh lọc cơ thể chuẩn bị vào mùa bận rộn cuối năm

Bình Định: Chuẩn bị đấu giá 101 xe máy, giá chỉ 300.000 đồng/chiếc

Hà Nội: Đấu giá lô gỗ, củi thu hồi do bão số 3 gây ra

Nhân sự Trung ương: Bộ Công Thương bổ nhiệm Cục trưởng; thông tin về cương vị mới của NSND Xuân Bắc