PV tại đền Xuân Hòa, xã Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An. Nơi đây năm xưa bà con Hưng Nguyên tập trung chống thực dân Pháp |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Xứ ủy Trung Kỳ, 3 giờ sáng từ Đền Xuân Hòa, sau hiệu lệnh của tiếng trống nhân dân ba tổng Phù Long, Thông Lạng, Nam Kinh đã tập kết mang theo gậy gộc, giáo mác, dây thừng, cờ đỏ búa liềm rực trời, rầm rộ kéo thẳng ga Yên Xuân bắt trói trưởng ga, cắt đứt dây điện thoại để triệt đường dây liên lạc của địch, rồi tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên đòi yêu sách bỏ sưu giảm thuế, trả ruộng đất cho dân cày.
Cách đó không xa, làng Phù Xá, xã Hưng Xá, Huyện Hưng Nguyên cũng là địa phương có truyền thống yêu nước và phong trào cách mạng, nhất là trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Cũng trong sáng ngày 12/9/1930, tại cổng đình làng Phù Xá, khi chị Nguyễn Thị Phia đang đứng trên mô đất cao diễn thuyết thì bất ngờ, máy bay Pháp nhào tới, vừa bắn liên thanh, vừa ném bom thẳng xuống đoàn biểu tình. Bom rơi trên đê, bom nổ trên mái làng xác xơ. Vụ thảm sát đã khiến cho 217 người chết, 125 người bị thương, trong đó riêng xã Hưng Long có 47 người chết. Chưa dừng ở đó, để đàn áp, giặc Pháp đã kéo về bao vây làng Xuân Hòa, Yên Phú, Yên Thọ, Thuận Đức… để truy bắt các chiến sỹ cách mạng, chúng điên cuồng đốt sạch, gây nên cảnh màn trời chiếu đất cho hàng ngàn dân lúc bấy giờ. Bao nhiêu năm đã đi qua nhưng bài học từ cao trào cách mạng này vẫn rất mới mẻ.
Giờ đây, Đền Xuân Hòa của xã Hưng Long hay Đình làng Phù Xá của xã Hưng Xá là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng xã, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân địa phương nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Đồng thời những di tích lịch sử này cũng trở thành nơi giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khơi dậy trong các em cố gắng học tập rèn luyện. Em Trần Ngọc Anh- lớp 8A trường THCS ở xã Hưng Long chia sẻ: “Em tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương Hưng Nguyên. Nơi có đền Xuân Hòa là một địa chỉ đỏ trong Cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, em sẽ cố gắng học giỏi, lao động tốt để xứng đáng là người học trò ngoan trên quê hương Cách mạng”.
Thái Lão, Hưng Nguyên - mảnh đất nhuốm máu đào của 217 liệt sỹ hy sinh trong cuộc nổi dậy chống chính quyền thực dân phong kiến của nông dân Hưng Nguyên. Mặc dù bị chính quyền Pháp đàn áp đẫm máu, nhưng cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 được coi là cuộc tổng diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa Tháng 8 thành công. Năm 1961, trong lần thứ 2 về thăm quê, khi dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Máu của các liệt sĩ và quần chúng cách mạng đã đổ xuống mảnh đất này, chúng ta phải xây dựng và bảo vệ khu vực này thành một khu di tích lịch sử cách mạng”. Tâm niệm lời dạy của Bác, tỉnh Nghệ An, huyện Hưng Nguyên đã và đang nỗ lực bảo tồn, đầu tư trên 250 tỷ đồng để xây dựng nơi đây thành một quần thể di tích lịch sử đầy ý nghĩa nhằm tri ân sự hy sinh to lớn của những người con ưu tú của quê hương trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930.
Những ngày thánh 9 lịch sử này, tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện trưng bày khoảng 15 ngàn hiện vật, chủ yếu là gậy gộc, cuốc thuổng và giáo mác. Đó là những dụng cụ làm ruộng hàng ngày của những người nông dân chân đất, đồng thời cũng là thứ vũ khí khiến thực dân Pháp và chính quyền tay sai một phen khiếp sợ.
Bà Lê Thu Hiền – Phó Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết: Đây là nơi trưng bày, lưu giữ và giới thiệu về toàn bộ tiến trình của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau khi thành lập năm 1960 và đi vào phục vụ tham quan vào năm 1963 thì từ đó đến nay Bảo tàng đã không ngừng phấn đấu sưu tầm tài liệu, nghiên cứu để phát huy giá trị của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hiện nay Bảo tàng đang còn lưu giữ 15.000 hiện vật, tài liệu liên quan đến phong trào, trong đó có 5.000 hiện vật gốc. Đây là những tài liệu hiện vật vô giá đã để lại phong trào của nhân dân Nghệ Tĩnh trong những năm 30-31. Hàng năm Bảo tàng vẫn tổ chức hai đến ba đợt sưu tầm hiện vật ở trong tỉnh và ngoài tỉnh, khai thác tài liệu nhằm phát huy tất cả các giá trị của hiện vật liên quan đến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bên cạnh công tác sưu tầm, bảo tàng còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục nhằm khẳng định vai trò vị trí, ý nghĩa của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nhằm giáo dục cho các tầng lớp nhân và thế hệ trẻ.
Tiếp bước hào khí của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nguyên, đang thi đua học tập, lao động sản xuất xây dựng quê hương Hưng Nguyên ngày càng phát triển. Mạng lưới đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, hệ thống kênh mương khép kín tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đưa cơ giới vào nông nghiệp từng bước thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Những con đường mới rộng mở cho cả Hưng Nguyên khơi nguồn tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ thương mại. Công tác phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ kinh tế hàng năm đạt từ 7-9%, số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến nay giảm chỉ còn 6,59%, thu nhập bình quân đầu người gần 25 triệu đồng/người/năm, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, nhiều trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hưng Nguyên đã và đang tạo được nhiều bước đột phá về kinh tế xã hội, thực sự chuyển mình đi lên, chủ động hội nhập và phát triển.
Mùa vàng trên quê hương Xô Viết anh hùng |
Thực tế cho thấy, bài học của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được Đảng áp dụng, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong suốt 86 năm qua. Nhất là ở Hưng Nguyên - quê hương của đỉnh cao của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh càng được phát huy một cách mạnh mẽ.
Ông Hoàng Văn Phi – Bí thư huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Trong những năm tới Hưng Nguyên tập trung nỗ lực phấn đấu một cách toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, trong đó thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội đề ra. Đó là phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ Hưng Nguyên nằm trong tốp đầu của tỉnh, có cơ cấu kinh tế 80% là công nghiệp - dịch vụ, nông nghiệp chỉ chiếm 18 - 19%; thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng; đặc biệt thu nhập bình quân đầu người từ 70 - 75 triệu đồng/người/năm; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để làm được điều đó thì phải xác định mũi nhọn định hướng cho huyện là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung giải quyết tốt giải phóng mặt bằng. Thứ hai là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa. Thứ ba là tranh thủ phát huy lợi thế của huyện là có nhiều di tích lịch sử văn hóa trong dịch vụ thương mại để thu hút khách tham quan du lịch. Bốn là muốn làm tốt thì phải xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đủ sức để lãnh đạo, điều hành cho mọi nhiệm vụ hoàn thành tốt.
Đã 86 năm trôi qua nhưng âm vang của cuộc biểu tình 12/9/1930 đã, đang và sẽ còn vang vọng mãi. Phát huy truyền thống của cha ông, Đảng bộ và nhân dân Hưng Nguyên đang vững bước trên con đường đổi mới, xứng đáng với quê hương Xô Viết anh hùng ./.
Cách đây 86 năm, ngày 12/9/1930, hơn 8.000 người dân ở các vùng thuộc huyện Hưng Nguyên đã tập trung, giương cao cờ đỏ búa liềm tiến về ga Yên Xuân để đấu tranh chống thực dân Pháp. Đền Xuân Hòa đã được ghi vào lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. |