Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu nào sẽ miễn thuế nhập khẩu?
Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy định việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.
Dự thảo nêu rõ Danh mục 29 sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện (Ảnh minh họa) |
Theo dự thảo, chỉ các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, phục vụ trực tiếp sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục quy định mới được miễn thuế nhập khẩu.
Căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 và Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Dự thảo nêu rõ Danh mục 29 sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện như: Thiết bị, phần mềm mạng viễn thông 5G và các thế hệ sau; thiết bị, phần mềm nền tảng IoT; thiết bị đầu cuối thông minh thế hệ mới, thiết bị truyền dẫn, đầu cuối internet cố định; thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm cho giáo dục.
Tiếp đó, camera thông minh, camera AI và các phần mềm phân tích, xử lý và quản lý dữ liệu thu được từ camera; sản phẩm vi mạch (IC) cho viễn thông, công nghệ thông tin, IoT; sợi quang, cáp quang và các thiết bị truyền dẫn, kết nối trong thông tin quang; thiết bị, phần mềm nền tảng định danh và xác thực điện tử
Thiết bị và phần mềm của hệ thống điện toán đám mây; phần mềm nền tảng phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data); thiết bị, phần mềm, giải pháp, dịch vụ công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
Phần mềm nền tảng số phục vụ triển khai 8 ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia; phần mềm nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; phần mềm cổng dịch vụ công và một cửa điện tử.
Phần mềm điều hành tác nghiệp và quản trị các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp (bao gồm quản lý văn bản, văn phòng số, quản trị các nguồn lực tài chính, nhân lực…và các phần mềm và nền tảng tự động hoá các tác nghiệp…)
Sản phẩm an toàn thông tin mạng; thẻ thông minh, đầu đọc thẻ thông minh; thiết bị, phần mềm thực tại ảo (Virtual reality), thực tại tăng cường (Augmented reality) và thực tại trộn (Mixed reality); phần mềm xử lý thông tin Y-Sinh; phần mềm, thiết bị kiểm thử phần mềm tự động; hệ thống, thiết bị định vị toàn cầu.
Linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), sản phẩm, mạch điện tử linh hoạt (PE); màn hình độ phân giải cao; máy tính PC, máy tính xách tay, máy chủ, thiết bị mạng, hệ thống lưu trữ dữ liệu và hệ thống tính toán hiệu năng cao; hệ điều hành cho máy tính chuyên dụng, thiết bị di động thế hệ mới; thiết bị, phần mềm, giải pháp, nền tảng, dịch vụ cho chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên…
Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục trên đối với các sản phẩm bảo đảm được một trong những yêu cầu sau: Thị trường trong nước có nhu cầu lớn và tạo giá trị gia tăng cao; có tiềm năng xuất khẩu; có tác động tích cực về đổi mới công nghệ và hiệu quả kinh tế đối với các ngành kinh tế khác; đáp ứng được yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết đối với việc nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Thông tư này.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tự xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm theo các quy định tại Thông tư này và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo để hưởng chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, doanh nghiệp phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, xem xét, quyết định.