Thứ hai 23/12/2024 21:31

Nguồn cung xăng dầu được đáp ứng đủ trong mọi tình huống

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo xăng dầu không thiếu trong mọi tình huống.

Chủ động nhập khẩu bù đắp nguồn cung

Những ngày gần đây, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, vượt 105 USD/thùng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm, ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Trong nước, do nắm bắt tình hình sớm nên ngay từ cuối tháng 1/2022, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có phương án tăng lượng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối đã đẩy mạnh việc nhập khẩu. Chỉ tính riêng tháng 2/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu đã đạt mức 1,45 triệu m3, tăng cao gấp 3 lần so với các tháng thông thường. Cùng với lượng tồn đầu tháng 1,3 triệu m3, lượng mua từ sản xuất trong nước, tồn kho gối đầu trong tháng 3 khoảng 1,6-1,8 triệu m3, nguồn cung xăng dầu cho thị trường từ các nguồn trong quý I/2022 được bảo đảm.

Trong các cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối vừa diễn ra mới đây, các bên đều thống nhất cách thức điều hành của Bộ Công Thương trong thời gian tới.

Ngay sau cuộc họp ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế. “Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5/2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 6 tháng cuối năm 2022”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Các ý kiến cũng thống nhất cách thức điều hành giá của Bộ Công Thương theo tinh thần của Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có tính đến các tình huống cấp bách, tiệm cận với giá thế giới.

Theo đó, tiếp tục thực hiện điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, tuy nhiên khi cần, cứ 2 ngày một lần, Tổ Tư vấn liên Bộ Công Thương - Tài chính phải họp, thống nhất, báo cáo với lãnh đạo hai Bộ để báo cáo với Chính phủ xin ý kiến cho kỳ điều hành tiếp theo.

Tập trung vào các giải pháp cụ thể

Trước đó, để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Trong các cuộc làm việc của Bộ Công Thương với Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam; Đại diện UBND, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối…, các bên thống nhất thực hiện quyết liệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Việt Anh

Tin cùng chuyên mục

EVNNPT đóng điện đường dây 220kV Rạch Giá 2 - Kiên Bình mạch 2

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Nam Cấm

70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chung tay tìm giải pháp đẩy nhanh các dự án điện khí LNG

Bộ Công Thương rốt ráo chuẩn bị đưa Luật Điện lực vào thực thi

Tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân đạt Giải thưởng hiệu quả năng lượng năm 2024

Bộ Công Thương xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí

Tăng cường cấp điện cho Hà Nội qua dự án truyền tải điện hơn 1.600 tỷ đồng

Công ty Điện lực Cao Bằng: Lan tỏa nghĩa tình ngành điện

Lào Cai: Điện lực Bắc Hà 'Thắp sáng làng quê', tri ân khách hàng

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực thực hành sử dụng năng lượng bền vững

Nhiều dự án điện khí LNG có nguy cơ lỗi hẹn tiến độ

Vietsovpetro vượt đà suy giảm, hoàn thành chỉ tiêu sớm 20 ngày

Danh sách các tác phẩm đoạt giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2024

Báo Công Thương đoạt giải B báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2024

Longform | Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sử dụng dịp cuối năm

EVNGENCO2 tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các dự án, nhà máy điện tại Lào

Tuyên Quang: Hoàn thành các công trình điện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương

Năng lượng sinh khối - động lực xanh cho tương lai nông thôn Việt Nam