Nguồn cung lương thực suy giảm, các quốc gia xuất nhập khẩu gạo có động thái ra sao?
Nhà xuất khẩu thận trọng đánh giá nguồn cung để ổn định giá trong nước
Tại Thái Lan, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết lệnh cấm của Ấn Độ cần được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ do có thể ảnh hưởng đến giá gạo nội địa và có thể khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạocủa Thái Lan trì hoãn các đơn đặt hàng gạo để đánh giá tác động (dự kiến giá gạo nội địa có thể tăng 10%).
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đã chỉ đạo khu vực tư nhân và các tùy viên thương mại Thái Lan tại Ấn Độ điều tra các chi tiết của lệnh cấm, đặc biệt liên quan đến việc miễn trừ gạo Basmati.
Lương thực toàn cầu đang bị thiếu hụt vì biến đổi khí hậu |
Đối với Ấn Độ, nhiều thương nhân Ấn Độ cho biết họ có thông tin về việc Ấn Độ đã xem xét về lệnh cấm và cho rằng lệnh sẽ được ban hành vào khoảng tháng 8 – 9/2023 nên vẫn tiến hành ký kết hợp đồng, nhận thư tín dụng (LC) để đảm bảo thanh toán như thường lệ.
Tuy nhiên, lệnh cấm diễn ra quá đột ngột và chỉ cho phép hàng hóa đã vào cảng được chuyển đi, ngoài ra các hợp đồng dù có LC vẫn phải hủy bỏ. Vì vậy, tuy trước lệnh cấm, nước này có thể xuất khẩu 500 nghìn tấn gạo phi basmati/tháng thì trong tháng 7 năm 2023, chỉ 200 nghìn tấn hàng tại cảng được phép xuất khẩu.
Mặt khác, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ dù tạo thuận lợi về giá cho người tiêu dùng trong nước nhưng lại gây khó khăn cho ngành sản xuất nước này. Cụ thể, các nhà sản xuất gạo ở Ấn Độ thường là nông dân, hộ gia đình nhỏ, được Chính phủ hỗ trợ bằng các chính sách như trợ cấp. Lệnh cấm sẽ khiến thu nhập nông thôn suy giảm, có khả năng gia tăng tình trạng phân chia giàu nghèo thành thị - nông thôn. Về dài hạn, Lệnh cấm xuất khẩu sẽ khiến khu vực sản xuất thu hẹp trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp của Ấn Độ vẫn còn quá lớn (hơn 40%), gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
Trong khi đó, ở Campuchia, giá gạo nước này cũng đang tăng cao. Theo Bộ Nông Lâm Thủy sản Campuchia cho biết giá gạo của các giống IR và OM đang đạt mức cao nhất trong ba năm trở lại đây. Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) cho biết giá gạo IR hiện ở mức 1.047 riel/kg (6.000 đồng/kg), trong khi gạo OM có giá 1.029 riel/kg (5.900 đồng/kg). Loại gạo thơm sen kra'op (SKO) đắt tiền hơn đã có giá tương đối ổn định trong ba năm qua, trung bình từ 1.000 đến 1.260 riel/kg (7.233 đồng/kg).
Quốc gia nhập khẩu xem xét kỹ phản ứng các bên
Theo đó, Philippines hiện xem xét kỹ phản ứng các bên. Cụ thể, Chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Lương thực Philippines (PCAFI) cho biết Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm tăng hoạt động đầu cơ và cạnh tranh, chuyển đơn hàng nhập khẩu các nước xuất khẩu gạo khác, đẩy giá lên cao, gây thêm áp lực lên giá gạo nội địa nước này.
Giám đốc quốc gia của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) cho biết các thương nhân hiện đang xem xét thông tin về nguồn cung và giá từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Philippines đã chấp nhận giá chào mới từ các doanh nghiệp Việt Nam để có hàng trong tháng 8 khi vụ Hè Thu thu hoạch.
Quốc gia này cũng đang nỗ lực cải thiện sản xuất trong nước. Theo đó, do lo ngại về tác động của El Nino trong vụ thu hoạch thứ hai (bắt đầu từ tháng 11, thu hoạch vào tháng 2/tháng 3), để khuyến khích nông dân trồng nhiều hơn, Chính phủ Philippines đã cung cấp các khoản trợ cấp trực tiếp, hỗ trợ cơ sở vật chất sau thu hoạch và phân phối đất miễn phí cho nông dân; đồng thời kêu gọi thông qua Dự luật Hạ viện 405 hoặc Đạo luật Phát triển Công nghiệp Lúa gạo (cho phép nông dân trồng lúa mua nguyên liệu đầu vào sản xuất như hạt giống, phân bón và công cụ với giá chiết khấu; phát triển tưới tiêu, hạ tầng sau thu hoạch).
Trong khi ở Indonesia, Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết, hiện tượng thời tiết bất thường do El Nino gây ra sẽ kéo dài tại Indonesia đến tháng 9/2023, ảnh hưởng đến mùa màng. Nước này cũng phụ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo lượng gạo dự trữ trong nước. Vì vậy, việc thiếu hụt nguồn cung từ cả nội địa và nhập khẩu sẽ khiến giá gạo tăng cao. Sau khi hoàn thành triển khai đợt nhập khẩu 2 triệu tấn được thông báo vào tháng 3, dự kiến do tình hình lệnh cấm từ Ấn Độ, có khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tiếp cận nguồn cung từ Việt Nam để bổ sung nhập khẩu gạo kiềm chế lạm phát và tồn kho.
Đối với các Tiểu vương quốc vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Vào ngày 28/7/2023, Bộ Kinh tế UAE đã ban hành Nghị quyết số 120 năm 2023 theo đó cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo (bao gồm tất cả các loại gạo: gạo trắng trấu, gạo lứt trấu, cơm tấm, gạo đồ). Mặc dù 90% lượng lượng thực là nhập khẩu nhưng đây được coi là một biện pháp để kiềm chế lạm phát và kiểm soát an ninh lương thực của nước này do UAE hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lương thực (ngô, gạo, đậu tương) nhập khẩu.
Hay với Hoa Kỳ, trong báo cáo gần nhất phát hành tháng 7 năm 2023, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã nâng dự báo sản lượng gạo của Hoa Kỳ năm 203 thêm 4% lên 201 triệu tấn, giảm tổng nhập khẩu xuống 38 triệu (giảm 1 triệu tấn so với dự báo tháng trước). Tuy nhiên, lượng nhập khẩu này vẫn ở mức cao thứ hai trong lịch sử.
Theo các báo cáo, cộng đồng người Ấn Độ ở Hoa Kỳ đã bắt đầu tích trữ gạo Ấn Độ và một số chuỗi cửa hàng đã tăng giá một bao gạo 20 lbs (tương đương 9 kg) thêm 8 USD, hoặc 'chỉ hạn chế mua một túi gạo cho mỗi gia đình’.
Tại Việt Nam, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch. Kịp thời cung cấp thông tin tới các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. |