Người phụ nữ nuôi tham vọng đưa hạt sachi Việt Nam ra thế giới
Bán nhà để khởi nghiệp với sachi
Bà Đỗ Thị Kim Thông - Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (Hợp tác xã Kim Thông) nhiều lần mang sản phẩm hạt sachi đi giới thiệu tại những hội nghị, hội thảo nhằm tìm kiếm khách hàng và đầu ra cho sản phẩm hạt sachi vốn rất xa lạ với người Việt Nam.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm hạt sachi của Hợp tác xã Kim Thông. Ảnh KT |
Hạt sacha inchi (sachi) là loại hạt có xuất xứ từ vùng đất Nam Mỹ, được thế giới mệnh danh như một loại “siêu thực phẩm mới”, hay còn gọi là “vua của các loại hạt”, bởi các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, loại hạt này sở hữu giá trị dinh dưỡng vượt xa so với các loại hạt óc chó, hạt điều. Thậm chí, một số nghiên cứu còn cho rằng, hàm lượng omega-3 trong loại hạt sachi gấp 17 lần cá hồi và gấp gần 50 lần dầu oliu.
Cũng chính vì hàm lượng dinh dưỡng cao như vậy, nên vào năm 2018, sau khi đi du lịch Peru và mang loại hạt này về Việt Nam để tìm hiểu, bà Đỗ Thị Kim Thông đã quyết định “khởi nghiệp” ở tuổi 52 thay vì nghỉ hưu như cách nhiều người đã lựa chọn.
Một trong những lý do chính để người phụ nữ U60 quyết định khởi nghiệp với cây sachi là bởi, ngoài hàm lượng dinh dưỡng cao, hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam, loại cây này còn có tiềm năng rất lớn khi thời gian cho thu hoạch chỉ sau 8 tháng và kéo dài đến 20-30 năm, bên cạnh đó cây còn có ưu điểm ít sâu bệnh, dễ trồng, dễ chăm sóc.
Một ưu điểm nữa cũng được bà Đỗ Thị Kim Thông nhắc tới đó là, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, lao động nông nhàn lại nhiều, nhất là ở những tỉnh như Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng. Thực tế, tại Việt Nam thời điểm đó, cây sachi đã được trồng thử nghiệm ở một số địa phương nhưng chưa quy hoạch thành vùng trồng tập trung.
Để có tiền khởi nghiệp, bà Đỗ Thị Kim Thông đã bán đi 2 căn chung cư ở quận Thanh Xuân – thành phố Hà Nội với số tiền gần 10 tỷ đồng để quy hoạch vùng trồng và đầu tư máy móc. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến gây khó khăn cho việc tìm kiếm đầu ra, cộng với người tiêu dùng chưa biết, chưa hiểu về giá trị dinh dưỡng của loại hạt này, “nên có thời điểm, đầu tư giống xong thu hoạch không bán được mà phải đổ đi. Đến bây giờ tôi vẫn còn lưu lại clip giai đoạn khó khăn đó" - bà Đỗ Thị Kim Thông cho biết.
Khó khăn là vậy, nhưng thay vì nản lòng, người phụ nữ ở tuổi U60 không bao giờ có ý định bỏ cuộc, bà vẫn kiên trì với sự lựa chọn của mình, bởi theo bà: "Dù còn một tia hy vọng nhỏ nhoi, tôi vẫn theo đuổi đến cùng".
Cũng theo bà Đỗ Thị Kim Thông: “Làm nông nghiệp bên cạnh cái tâm thì cần nhất là sự kiên trì, bền bỉ”. Với suy nghĩ đó, bà tiếp tục tìm hiểu, đầu tư dây chuyền công nghệ máy sấy lạnh thay vì sấy nóng đã đầu tư trước đó, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, đồng thời nỗ lực đưa sản phẩm đi giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Bà Đỗ Thị Kim Thông (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu sản phẩm tại Trung Quốc. Ảnh KT |
Đơn hàng đầu tiên và ước mơ chinh phục thị trường châu Âu
Với những nỗ lực của người đàn bà nhỏ bé này, năm 2020 - tức là sau gần 3 năm đơn hàng sachi đầu tiên của Hợp tác xã Kim Thông đã được bán cho một nữ khách hàng người Hàn Quốc tại một sự kiện tại Hà Nội. Liên tiếp sau đó, vị khách hàng này đã nhập rất nhiều hàng của Hợp tác xã Kim Thông về Hàn Quốc, có thời điểm lên đến 10 tấn hạt sachi.
Bên cạnh thị trường Hàn Quốc, bà Đỗ Thị Kim Thông cho rằng, thị trường Trung Quốc và một số quốc gia châu Á cũng đang rất ưa chuộng các sản phẩm hạt sachi của Việt Nam. Hiện tại, Hợp tác xã Kim Thông đã quy hoạch được vùng trồng quy mô 500 ha với sự tham gia của vài trăm hộ gia đình. Mỗi tháng, Hợp tác xã Kim Thông bao tiêu khoảng 60-70 tấn hạt sachi cho các thành viên. Ngoài sản phẩm hạt sachi sấy lạnh, hiện, Hợp tác xã Kim Thông còn chế biến hạt sachi ra các sản phẩm khác như dầu sachi, nhằm đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước.
“Bây giờ, tôi không sợ gì nữa, cứ có người sẵn sàng đầu tư trồng sachi cùng tôi, có hàng là tôi bán được”, bà Đỗ Thị Kim Thông khẳng định và chia sẻ rằng, sau cuộc trả lời phỏng vấn ngắn này, bà sẽ có cuộc hẹn với 2 đối tác người Nga về việc xuất khẩu loại hạt này sang đất nước của họ. Theo bà Đỗ Thị Kim Thông, sở dĩ sản phẩm hạt sachi của Hợp tác xã Kim Thông nhận được sự quan tâm của khách hàng quốc tế, bởi bên cạnh chất lượng, sản phẩm còn có giá cả phù hợp, bởi Việt Nam có lợi thế về vùng trồng và chi phí nhân công cho lĩnh vực nông nghiệp rẻ hơn những quốc gia khác.
Với những gì đã trải qua và những triển vọng sắp tới, bà Đỗ Thị Kim Thông tự tin cho rằng, hạt sachi không có xuất thân từ Việt Nam, nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Những tháng cuối năm 2024, Giám đốc Hợp tác xã Kim Thông khẳng định, mục tiêu của bà là xuất khẩu hạt sachi sang thị trường châu Âu – đây là thị trường vô cùng khó tính, nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, điều đó đồng nghĩa với việc, thương hiệu hạt sachi của Việt Nam sẽ được người tiêu dùng thế giới biết đến nhiều hơn. Mở ra những cơ hội rộng mở hơn cho ngành nông sản Việt Nam.