Người phụ nữ dân tộc Tày với mong ước đưa thảo dược vùng quê ra thị trường
Sinh ra và lớn lên ở Văn Yên (Yên Bái) – vùng đất có nhiều thảm thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loại dược liệu quý như táo mèo, quế, tía tô…, song đời sống của bà con nơi đây rất khó khăn, do giá trị kinh tế đơn thuần từ những cây dược liệu mang lại không cao.
Chính điều này khiến chị Nga luôn suy nghĩ, trăn trở làm sao giúp bà con bớt nghèo. “Qua quan sát, tìm hiểu, tôi nhận thấy, những năm gần đây, quả táo mèo và các sản phẩm chế biến từ táo mèo được thị trường ưa chuộng. Nếu biết cách chế biến, những sản phẩm này không chỉ giúp người làm kinh doanh như tôi nâng cao thu nhập mà còn giúp các nông sản của địa phương được "nâng tầm”, đồng bào vùng cao bớt nghèo khó’’, chị Nga chia sẻ.
Chị Trương Thị Úy Nga - Giám đốc Công ty TNHH TN Yên Bái - một trong những phụ nữ dân tộc Tày mong ước đưa các sản phẩm từ thảo dược ra thị trường quốc tế. Ảnh: U.Nga |
Cùng với nỗi trăn trở giúp bà con thoát nghèo thì trong sâu thẳm suy nghĩ của chị Nga, việc nâng cao giá trị của các cây thảo dược còn góp phần gìn giữ nghề bốc thuốc gia truyền của làng; bảo tồn nguồn dược liệu quý của quê hương, đất nước. Vì ngày càng có nhiều thanh niên dân tộc ở bản thoát ly đi học tập, công tác, lao động trong các khu công nghiệp hoặc lao động tự do tại các thành phố lớn.
Vì vậy, việc phát triển nghề giúp chị có thêm niềm tin khi đời sống kinh tế - xã hội phát triển; khoa học, kỹ thuật ứng dụng cho khai thác nền y dược cổ truyền được quan tâm đúng mức; các mô hình khai thác hiệu quả được mở rộng; sự liên kết, chia sẻ lợi ích kinh tế theo chuỗi giá trị y dược cổ truyền được thực hiện một cách bài bản, chặt chẽ… sẽ mang lại nguồn lực kinh tế rất lớn và cơ hội làm giàu cho bà con.
Không chỉ táo mèo, quế cũng là 1 trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái. Nếu như trước đây, quế chỉ được trồng để lấy vỏ thì nay đã được chế biến thành nhiều sản phẩm. Trong đó, tinh dầu quế, trà quế được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Nhờ công nghệ chế biến tinh dầu phát triển, toàn bộ nguồn nguyên liệu từng loại bị bỏ gồm cành, ngọn, lá quế đều được tận thu, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng quế, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào và muốn nâng cao giá trị của nông sản quê nhà, chị Nga đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cho ra đời nhiều sản phẩm túi trà lọc chất lượng cao. Để đa dạng hóa sản phẩm, năm 2021, chị đã thành lập Công ty TNHH TN Yên Bái chuyên sản xuất, kinh doanh trà thảo dược cũng như tinh dầu các loại. Hiện, công ty có các sản phẩm như: Trà lá Khôi Nhung; trà lá ổi túi lọc Nga Trương; trà lá tía tô Nga Trương; trà táo mèo túi lọc Nga Trương; trà quế Nga Trương...
Nhờ nguyên liệu sản phẩm được chọn lọc kỹ lưỡng, việc chế biến bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên chất chất lượng sản phẩm cũng như vị thơm ngon mang chuẩn hương vị tự nhiên của núi rừng, vì thế được người tiêu dùng rất yêu thích.
Để tiếp cận với khách hàng, chị Trương Thị Úy Nga cho biết, công ty thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm. Trung bình mỗi tháng, công ty tham gia 4 hội chợ. Ngoài các gian hàng trong tỉnh, công ty còn tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh thành như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng…
Đáng chú ý, công ty còn linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ, phân phối sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến người tiêu dùng. "Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh đã tạo điều kiện và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua các nền tảng số. Từ đó, chúng tôi không chỉ có cơ hội tiếp cận, quảng bá các sản phẩm đặc sản, tiêu biểu, mở rộng thị trường tiêu thụ tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước mà còn tăng thêm cơ hội để học hỏi nâng cao, hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần định vị thương hiệu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường”, chị Nga cho biết.
Nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên từ chỗ chỉ là những sản phẩm nông nghiệp đơn thuần của địa phương, đến nay, hầu hết các sản phẩm của Công ty TNHH TN Yên Bái đã tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước, từ đó mang lại giá trị cao cho người sản xuất cũng như bà con trong vùng.
Nhằm tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, tháng 8/2024, Hợp tác xã dược liệu dân tộc Yên Bái do chị Nga làm giám đốc đã được thành lập. Hợp tác xã đặt tại xã Mai Sơn, huyện Lục Yên, gồm 7 thành viên là bà con trong bản. Không may, đợt bão số 3 và lũ hồi tháng 9/2024 khiến vùng nguyên liệu tía tô và cây ổi của Công ty TNHH TN Yên Bái bị xóa sổ. Rất may là vùng nguyên liệu của hợp tác xã ở Mai Sơn liên kết với bà con trong xã chỉ bị ảnh hưởng và giờ đang khôi phục trở lại.
Hiện nay, bà con trong hợp tác xã tiếp tục khôi phục, đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất, kinh doanh; giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm, bán online, trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý, khu du lịch trong, ngoài tỉnh...
Nói về mong muốn thời gian tới, chị Nga bảy tỏ: “Tôi cũng như anh chị em trong công ty đều mong muốn đưa được các sản phẩm của bản làng “bay” xa hơn nữa, không chỉ ở Yên Bái mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Vừa qua, chúng tôi cũng đã chào hàng tại Vương quốc Anh một số sản phẩm trà thảo dược. Dù chưa có phản hồi nhưng mọi người đều hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến”.