Người dân khó mua thiết bị phòng cháy chữa cháy, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh lên tiếng
Tại họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chiều ngày 28/9, đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Người dân tìm mua thiết bị phòng cháy chữa cháy |
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, vừa qua có một số người dân phản ánh khó tìm mua các thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy, cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đây là các sản phẩm đặc thù nên việc quản lý các thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy, bảo hộ cá nhân, phương tiện cứu người thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của Bộ Công an.
Cụ thể, ông Lê Đình Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Tổng hợp, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 136 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy thì Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy trong phạm vi cả nước.
Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, kiểm định và chứng nhận phù hợp đối với thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy; quy định, quản lý, in và phát hành tem kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy; ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn trang bị, quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và sử dụng phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Căn cứ văn bản hợp nhất số 13 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thì các sản phẩm: bình chữa cháy các loại, trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân (quần, áo, kính, khẩu trang chữa cháy, mặt nạ lọc độc, mặt nạ phòng độc cách ly,…) không thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Đồng thời, theo Thông tư số 08 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an thì các sản phẩm: bình chữa cháy các loại, trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân, phương tiện cứu người (dây cứu người; đai cứu hộ; đệm cứu người; thang cứu người; ống tụt cứu người, …) thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của Bộ Công an.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 08 thì việc quản lý các mặt hàng trên được Bộ trưởng Bộ Công an giao thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Công an; giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện.
“Mặc dù việc quản lý các sản phẩm bình chữa cháy các loại, trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân, phương tiện cứu người nêu trên thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của Bộ Công an. Tuy nhiên Sở Công Thương sẽ phối hợp với cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy khi có yêu cầu”- đại diện Sở Công Thương cho biết thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau vụ việc cháy chung cư mini tại Hà Nội, người dân TP. Hồ Chí Minh khá lo lắng việc phòng cháy chữa cháy và rất đông người đến các Trung tâm Thiết bị phòng cháy chữa cháy để mua hàng hoặc nạp bảo dưỡng bình chữa cháy.
Một số trung tâm cho biết, 1 tuần qua, lượng khách tăng hơn 60%, chủ yếu mua mặt nạ lọc khói độc, bình chữa cháy, thang dây, mặt nạ chống độc, kìm cắt sắt... Giá các sản phẩm nhìn chung vẫn ổn định.
Cụ thể, bình chữa cháy dạng bột loại 2 - 8kg có giá từ 200.000 đồng - 400.000 đồng/bình; dạng khí CO2 từ 3 - 5kg có giá từ 480. 000 - 740.000 đồng/bình; thang dây giá dao động từ 80 - 90.000 đồng/mét; mặt nạ chống độc giá dao động 260.000 - 850.000 đồng/cái; kìm cắt sắt khoảng 200.000 đồng.