Ngỡ ngàng trước sự phục vụ tận tình khi đi tua du lịch từ tàu QB4
Phải đến hơn chục năm, nay tôi mới có dịp đi lại tàu hỏa. Nhân dịp trở lại vùng cát trắng, nắng gió Quảng Bình, vợ tôi bảo: “lâu nay toàn sống gấp, lần này mình sống chậm, nên mình về bằng phương tiện tàu chậm, vì lâu lắm cũng chưa được ngắm cảnh trên tàu”.
Gia đình chị Trần Hà (nhân vật trong bài) |
Vợ chồng tôi quyết định đi tàu từ tỉnh Quảng Bình về Thanh Hóa. Tàu QB4 cung đường từ Quảng Bình về Hà Nội, phục vụ theo nhu cầu của khách hàng, các khoang từ 4 đến 6 giường nằm, với giá vé linh hoạt, đa dạng phục vụ du khách. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh, vợ chồng tôi đã có 2 vé tàu về Thanh Hóa. Tàu QB4 là tàu tăng cường, phục vụ hợp đồng theo đoàn và theo tua của khách du lịch, tàu chạy vào những ngày cuối tuần.
Ngay cổng soát vé, chỉ cần đưa điện thoại có hình ảnh vé tàu, chúng tôi đã qua cổng đến khu vực tàu QB4 đang chờ du khách lên tàu, tác dụng công nghệ số để có sự tích hợp này khá thuận tiện cho hành khách. Những năm gần đây, chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình vận tải là đường bộ, đường hàng không, ngành vận tải đường sắt xuất hiện ở Việt nam từ rất sớm, để thích ứng với thị trường, buộc ngành phải có nhiều thay đổi.
Nhà báo Hoàng Khánh Trình (Báo Quân đội nhân dân) trao đổi cùng tiếp viên tàu. |
Tại cửa soát vé các tiếp viên và nhân viên ngành đang hối hả hướng dẫn du khách lên tàu; từng người kiểm tra vé, xác định toa, số ghế hướng dẫn du khách lên được đúng toa đúng khoang của mình.
Những du khách có hàng hóa nặng, cồng kềnh còn được tiếp viên giúp đỡ đưa lên tàu một cách nhanh chóng và chu đáo…
Ngoài trời nhiệt độ đang khoảng 39-40 độ C, được nhân viên hướng dẫn đến tận giường, vợ tôi hạ túi hành lý, nằm luôn xuống giường xuýt xoa: Ôi, em đi tàu từ thời là sinh viên, quả là sự bất ngờ không hề nhỏ: khoang điều hòa mát rượi; 4 giường sạch sẽ, ngăn nắp; chăn, ga, gối được sắp đặt phẳng phiu, gọn gàng…
Trong bộ trang phục ngành ướt đẫm mồ hôi, tiếp viên Nguyễn Văn Tùng phấn khởi cho biết: Bộ phận tiếp viên của em có 17 người, trong đó trừ Trưởng, Phó tàu và 3 người phục vụ ăn uống, vậy nên chỉ còn 12 người phụ trách 15 toa hành khách; riêng em phụ trách 2 toa nên trước khi tàu khởi hành anh em rất vất vả anh ạ...
Đúng 14 giờ 40 tàu khởi hành. Trưởng tàu QB4 Trần Hoàng Giang đôn đáo từ đầu đến cuối đoàn tàu cho biết: Đã nhiều năm nay ngành chúng tôi không tăng thêm biên chế. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian dừng hoạt động gần một năm nên nhiều người đã xin nghỉ việc. Do đó, công việc của anh em có thời điểm một người làm việc bằng hai.
Tiếp viên giúp khách lên tàu |
Áp lực công việc rất lớn, nếu không có tình yêu nghề thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của ngành đặt ra. “Cả 2 vợ chồng tôi làm việc trong ngành đường sắt, vợ tôi bán vé tại Ga Thanh Hóa. 2 cháu nghỉ hè được hơn một tháng rồi mà cũng chưa có thời gian về chơi với các cháu một ngày anh ạ! Cũng may vợ chồng cùng ngành nên cũng hiểu và thông cảm cho nhau nhiều hơn” Anh Giang tâm sự.
Bên cạnh khoang của vợ chồng tôi là một hộ gia đình có 2 cậu con trai khoảng 7 đến 10 tuổi đang nô đùa ríu rít. Khi được hỏi vì sao chị chọn phương tiện là đi tàu mà không chọn phương tiện khác. Chị giới thiệu mình tên là Trần Hà, ở Quận Đống Đa, TP Hà Nội và vui vẻ cho biết: “Gia đình em từ vào Quảng Bình từ giữa tuần trước, đi tàu này gia đình em đi từ đầu đến cuối tuyến, không lo xuống giữa chừng, các nhu cầu ăn uống đa dạng, thoải mái lựa chọn. Thái độ phục vụ rất chu đáo nhiệt tình, khoang 4 giường nằm cho cả gia đình rộng rãi thoải mái, giá cả so với phương tiện khác lại rất mềm, độ an toàn cao, đang là thời gian nghỉ hè của các cháu, không bị sức ép về thời gian nên gia đình em chọn đi tàu này là hợp lý nhất”.
Để tạo tạo được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác buộc chúng tôi phải nỗ lực: bên cạnh những thế mạnh vốn có của ngành chúng tôi tập trung nâng cao thái độ, trách nhiệm phục vụ hành khách một cách chu đáo tận tình. Thường cung đường dưới 600km thì ngành đường sắt đang giữ thế mạnh, nhưng để thu hút được đông khách đến với mình hơn, anh em trong tổ dịch vụ cũng đã linh động đưa lên tàu các loại hàng hóa đặc sản vùng miền để phục vụ du khách, xóa nhòa khoảng cách đường bộ và đường sắt, khi du khách đi qua địa phương nào sẽ được cung cấp đặc sản của địa phương đó với giá cả phù hợp…” Anh Giang chia sẻ thêm.
Trên hành trình từ Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình về TP. Thanh Hóa, ngoài những trải nghiệp phong cảnh nên thơ làng quê Việt dọc 2 bên đường tôi còn được hiểu thêm những áp lực của những tiếp viên ngành đường sắt khi họ nhận được sự hài lòng của du khách. Mỗi khi tàu dừng lại ở một ga đón trả khách là họ lại tất bật: đưa khách lên, tiễn khách xuống, sắp đặt chăn ga gối đệm; thu gom rác thải, quét dọn vệ sinh các khoang tàu… liên tục trên suốt hành trình. “Trong điều kiện nắng nóng của miền Trung, có ngày em phải thay tới 3 bộ quần áo…” Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.
Nhóm khách du lịch dùng cơm trên tàu. |
Đúng 22 giờ tàu đến Ga Thanh Hóa, tôi lay vợ đang say giấc: Đến rồi, về thôi! Vợ tôi mắt nhắm, mắt mở: Nhanh vậy sao? Ôi, đi tua du lịch theo tàu không như em từng nghĩ!
Khách hàng kín các khoang, tàu chạy đúng giờ, thuận tiện, thái độ phục vụ tận tình chu đáo, du khách hài lòng trên suốt hành trình là những gì tôi nhận được sau một chuyến đi, tuy không mang tính đại diện cho những chuyến tàu của cả ngành đường sắt. Nhưng tôi hiểu đó là sự nỗ lực của toàn ngành đang hướng về thị hiếu của hành khách đi tàu. Đặc biệt ngành đường sắt cũng đang thay đổi để phù hợp với nhu cầu của khách hàng và xu hướng của ngành dịch vụ đang biến đổi không ngừng. Sự thay đổi này sẽ giúp cho người dân có thêm 1 lựa chọn khác trong hành trình di chuyển của mình.