Ngộ độc rượu methanol: Nhận diện và hành động
Toàn cảnh hội thảo |
Vấn đề trở nên rõ ràng khi thủ phạm nhiều vụ ngộ độc rượu ghê sợ thời gian qua được làm rõ tại tọa đàm, đó là hiện tượng lạm dụng cồn công nghiệp và những khúc mắc trong quản lý rượu thủ công.
Nhiều con số giật mình
Các đại biểu tham gia tọa đàm đã mang đến nhiều con số giật mình. Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên đến từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, trung tâm đã tiếp nhận 34 bệnh nhân đến cấp cứu vì ngộ độc rượu. Đáng chú ý, 32/34 trường hợp ngộ độc này xảy ra ngay tại các quận nội thành Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan quản lý đầu não về sản xuất và kinh doanh rượu.
Còn đại diện Công ty Rượu bia nước giải khát Aroma cho biết, 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế. Hậu quả là Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn và nguy hiểm hơn, điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng. Trong khi đó, Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt cũng cho biết, nhiều người Việt Nam có thói quen uống rượu liên tục trong một thời gian ngắn (từ 8 tới 12 tiếng)
Cũng trong mục tiêu cung cấp số liệu, ông Nguyễn Đắc Lộc đến từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cập nhật tình hình kiểm tra theo đó kể từ ngày 3 đến ngày 23/3/2017, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ 80.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. “Có vụ thì vài lít, cũng có vụ lên đến hàng nghìn lít” - ông Lộc nói.
Giật mình hơn cả là vào cuối buổi tọa đàm, đại diện một cơ quan truyền thông cung cấp việc một cơ sở sản xuất rượu trái phép theo cách pha cồn công nghiệp methanol với nước lã tại Đại Lâm (Bắc Ninh) đã được báo chí phản ánh từ năm 2012, nhưng cho đến nay, hoạt động trái phép này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Pháp luật đã đủ, sao vẫn lỏng lẻo?
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, khác với nhiều lĩnh vực khác, hiện các quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, kể cả rượu thủ công có thể nói là khá đầy đủ từ luật đến nghị định và cả các thông tư nhưng vì sao tình trạng ngộ độc vẫn tràn lan và gia tăng đột biến đến mức nguy hiểm thời gian gần đây.
Thực trạng này đã được ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 - thừa nhận, sự phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn chưa chặt chẽ chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng "cha chung không ai khóc".
Đại biểu trình bày tác hại của rượu pha methanol |
Theo ông Hùng, sự phối hợp giữa các bộ chức năng còn chưa chặt chẽ nếu không muốn nói là lỏng lẻo đã khiến cho trong khi các quy định pháp luật mất đi hiệu năng trong khi thay vào đó nó đã có thể cứu sống tính mạng hàng ngàn người. Không những vậy nó còn làm cho kẽ hở giữa các quy phạm pháp luật bị rộng thêm.
Nguyên nhân của những vụ ngộ độc rượu đã được các cơ quan chuyên môn xác định như thông tin của ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA nêu tại hội thảo là do các nạn nhân đã sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn.
Chỉ rõ những lỏng lẻo trong quản lý sản phẩm cồn công nghiệp methanol, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam - Phan Thị Kim - cho biết, nguyên liệu cồn công nghiệp, cồn y tế đang được bán thoải mái trên thị trường chính là cơ hội cho các cá nhân và cơ sở sản xuất hám lợi sử dụng pha vào nước để sản xuất rượu.
Nhận định này của bà Kim được ông Nguyễn Đắc Lộc minh họa thêm bằng một chứng cứ không kém phần giật mình là qua thực tế kiểm tra trên địa bàn Hà Nội trong vòng gần một tháng qua, một số hộ nấu rượu cho biết, quy trình nấu rượu hiện tại chỉ cho ra được rượu có nồng độ 30°, không đủ “đô” khi uống. Muốn cho ra rượu từ 40°, chỉ còn cách pha thêm cồn công nghiệp methanol.
Trong khi đó ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) nhìn nhận, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu trong nước hiện nay mới chỉ phát huy tác dụng tới khâu sản xuất, khâu bán buôn, còn khâu bán lẻ vẫn còn "bỏ ngỏ". Đặc biệt, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu tại các làng nghề, các hộ gia đình nhỏ lẻ khá khó khăn trong khi phần lớn các sản phẩm rượu chứa methanol vượt ngưỡng an toàn đều "ra lò" từ các cơ sở kiểu này.
Có giải pháp, vấn đề là phải làm quyết liệt
Đề cập tới Công điện 371 ngày 16/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả các vụ ngộ độc rượu và tăng cường công tác quản lý với sản phẩm rượu, một số đại biểu đặc biệt lưu ý đến hai giải pháp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu trong công điện. Đó là nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức và nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp quận huyện, xã phường.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ KHCN - Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò quản lý của chính quyền cơ sở với các sản phẩm rượu thủ công |
Hai giải pháp này được coi là hết sức quyết liệt của Chính phủ trước thực trạng ngộ độc rượu đáng lo ngại thời gian qua. Đồng thời sự chỉ đạo đó của Chính phủ cũng đồng nghĩa với việc cung cấp một cây gậy pháp lý hết sức quan trọng và quyết liệt trong xử lý, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc liên tục, đã đồng bộ rồi phải đồng bộ hơn nữa.
Đặc biệt, vai trò của cấp gần dân nhất là cấp xã phường được nhiều ý kiến đề cập tại tọa đàm. Bởi nếu trong khi trên quyết liệt mà cấp cơ sở lại cứ “không hay biết gì”, “chưa nhận được thông tin gì” như ở nhiều nơi hiện nay thì rõ ràng là những nỗ lực quản lý sẽ bị triệt tiêu, đặc biệt là với loại đồ uống đặc thù như rượu. Đại diện C46 Bộ Công an, đại tá Đinh Đăng Hiếu nhấn mạnh đến việc tăng thẩm quyền nhưng đồng thời phải thêm trách nhiệm cho chính quyền cơ sở bởi các cơ quan trung ương tuy nhìn thì rộng nhưng mọi thứ có vẻ mờ mờ. Lúc này trách nhiệm quyết định lại thuộc về cấp cơ sở.
Còn theo ông Phạm Chí Dũng, tới đây, cơ quan quản lý cần có quy định hộ gia đình sản xuất rượu tại làng nghề phải đăng ký sản xuất với chính quyền, việc bán lẻ sản phẩm rượu cũng phải có đăng ký rõ ràng để quy trách nhiệm cụ thể khi có các vụ ngộ độc rượu xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA phát biểu tổng kết tọa đàm |
Đại diện Công ty Rượu bia nước giải khát Aroma đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cùng vào cuộc chấn chỉnh lại việc quản lý ngành cồn rượu, xiết chặt việc thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt với các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về chất lượng. Và quan trọng nhất, việc quản lý nghiêm ngặt này phải được duy trì trong một thời gian dài.
Đặc biệt tại tọa đàm, đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, các cơ quan truyền thông cũng cần vào cuộc quyết liệt cùng các cơ quan chức năng. Cần có các phóng sự chuyên sâu để đấu tranh vạch mặt các cơ sở, các đối tượng sản xuất rượu giả, rượu kém chất lượng. Đồng thời làm rõ hơn bản chất của rượu truyền thống từ đó làm thay đổi nhận thức cứ rượu truyền thống mới là an toàn. Đồng thời xây dựng các chuyên mục chuyên trang phản ánh văn hóa uống rượu uống có trách nhiệm, đồng thời quảng bá văn hóa sử dụng đồ uống, đặc biệt là đồ uống có cồn của các nước.