![]() |
Bà con làng nghề đan lưới Thơm Rơm tất bật sản xuất ngư cụ đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường mùa nước nổi |
Làng nghề đan lưới thêm sức sống
Cứ vào mùa nước nổi, công việc đan lưới trở nên nhộn nhịp, tại xóm Thơm Rơm có khoảng 30 cơ sở đã giải quyết được công ăn việc làm cho khoảng 700 lao động chuyên nghiệp và khoảng 500 lao động thời vụ.
Nghề lưới đã thực sự mang lại thu nhập ổn định, công việc nhìn chung chỉ đòi hỏi sự cần cù, khéo léo, siêng năng nên người già, trẻ nhỏ, hay mấy chị em phụ nữ cũng có thể nhận nguyên liệu về nhà gia công. Tùy theo công đoạn làm, tay nghề mà thu nhập của từng người cũng khác nhau, nhưng trung bình mỗi lao động cũng kiếm được từ 70.000-200.000 đồng/ngày.
Chị Nguyễn Ngọc Hạnh ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ - người gắn bó lâu năm với làng nghề này cho biết, tranh thủ sau mùa vụ, tôi nhận dập chì kiếm tiền trang trải hàng ngày. Mỗi ngày cũng được gần trăm ngàn, tùy từng ngày làm nhiều hay ít. Công việc cũng khá nhẹ nhàng, dễ làm vì có máy móc cả rồi.
Bên cạnh các sản phẩm thủ công, nhiều cơ sở tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm còn mạnh dạn đầu tư thêm các thiết bị máy móc để tạo ra nguồn sản phẩm dồi dào hơn, chất lượng tinh xảo, hạ giá thành cũng như tăng thu nhập cho bà con làng nghề.
Nhiều em học sinh nghèo tranh thủ thời gian rảnh rỗi đến làm thêm việc luồn lưới, kẹp chì cũng có thu nhập. Em Phan Hoàng Út đang học lớp 7 tại quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cho biết, sau giờ học rảnh rỗi làm thêm cũng kiếm được 20.000-40.000 đồng/ngày. Với người làm nghề thành thạo thì luồn lưới, kẹp chì, bắt viền… có thể kiếm được 35.000-45.000 đồng/ngày.
Anh Phan Thanh Dũng, một thợ cắn chì, cho biết, với suy nghĩ: cắn chì bằng miệng chắc chắn gây nguy cơ ngộ độc chì, lẽ nào cam chịu “sinh nghề tử nghiệp, nên tôi tự chế tạo ra máy kẹp chì gọn nhẹ, công suất kẹp máy tăng gấp 4-5 lần “kẹp miệng”. Với giá 500.000 đ/máy, anh đã bán được hàng trăm máy kẹp chì cho các cơ sở đan lưới.
Ông Huỳnh Văn Thanh- Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hưng- cho biết, để hỗ trợ dân làng nghề, địa phương chỉ thu thuế của các cơ sở trong mùa sản xuất cao điểm, “ăn hàng” nhất là 3 tháng mùa nước nổi. Chúng tôi đang xúc tiến việc thành lập HTX đan lưới Thơm Rơm để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, tạo ra thêm hàng trăm việc làm mới cho người lao động địa phương. Hàng làm ra có nơi tiêu thụ đã giúp làng nghề có điều kiện cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã.
Có thêm thu nhập trong mùa nước nổi
Năm nay nước nổi tại ĐBSCL sớm hơn dự định. Theo đó, người dân sống bằng nghề đánh bắt mùa nước nổi có thêm thu nhập. Còn đối với người dân ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm thì mùa nước đã góp phần làm “sống lại” làng nghề này, bởi việc sản xuất và buôn bán của họ đều phụ thuộc vào những con nước nổi và sự ăn nên làm ra của người đánh bắt.
Nhờ thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết nên chị Nguyễn Diệu Anh - chủ cơ sở sản xuất lưới Dì Ba Tư An tại chợ Thơm Rơm, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cũng như nhiều bà con khác đã chủ động được nguồn hàng, đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu của khách hàng trong mùa nước nổi này. Ngư cụ năm nay, các loại lưới 4 phân và lưới 3 màn là các mặt hàng bán chạy nhất. Bên cạnh đó, các loại ngư cụ khác như: lú, lợp, móc câu… vẫn có lượng khách ổn định.
Bà Nguyễn Thị Hữu Thuận- chủ tiệm lưới, lú Hữu Tý tại chợ Thơm Rơm phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, phấn khởi cho biết, sức mua tăng trong mùa nước nổi khiến giá một số mặt hàng ngư cụ ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm cũng đội lên chút ít. Cụ thể, mỗi chiếc lú gọng sắt, gọng kẽm có giá từ 300.000-350.000đ; lưới 4 phân, lưới 3 màn có giá dao động từ 60.000-120.000đ/tay…
Theo nhận xét của khách hàng: “Lưới Thơm Rơm đan hẹp, độ bền cao, dễ giăng bắt cá, giá lại thấp hơn lưới những nơi khác từ 10-15% nên phù hợp với túi tiền người dân đánh bắt cá mùa nước nổi.