Nghệ An: Vay vốn xuất khẩu lao động khó triển khai
Cán bộ ngân hàng tư vấn vay vốn cho bà con ở Huyện Con Cuông Nghệ An |
Xuất khẩu lao động lâu nay không còn là khái niệm xa lạ với người dân ở các huyện miền núi Nghệ An. Tại huyện Con Cuông (huyện miền núi Nghệ An) số lượng lao động làm việc nước ngoài tăng lên theo từng năm. Tính từ năm 2010 đến nay trên địa bàn đã có 459 người đi xuất khẩu lao động tập trung ở các thị trường lao động Malaysia, Ảrập Xeút với tổng số tiền gửi về qua Ngân hàng Nông nghiệp của huyện Con Cuông là hơn 70 tỷ đồng. Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Con Cuông cho biết: Một số lao động có nhu cầu đi làm việc tại các thị trường có tiềm năng và thu nhập cao nhưng trình độ tay nghề và ngoại ngữ không đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, khó phát triển ở các thị trường có thu nhập ổn định bởi đây là những thị trường đòi hỏi chi phí cao nhưng người lao động không có khả năng về vốn để tham gia.
Qua số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông nhận thấy, năm 2015 có 2/79 người đi xuất khẩu lao động được vay vốn, năm 2016 là 3/245 người và 6 tháng đầu năm 2017 chỉ 1 người được vay vốn. Hiện nhu cầu vay vốn là có nhiều nhưng thủ tục còn lắm quy trình như cần phải có chứng nhận của xã, có chữ ký của đơn vị đưa lao động đi xuất khẩu. Trong khi đó, số vốn được vay lại không nhiều (thường dưới 50 triệu đồng) nên người dân không mặn mà…
"Để vay vốn, hiện khá nhiều người dân tìm đến những người “môi giới” trên địa bàn. Đây là những người có khả năng tài chính nên cùng với việc đưa lao động đi xuất khẩu họ còn chủ động cho lao động vay vốn không lấy lãi. Việc thanh toán sẽ được trừ trực tiếp từ lương sau khi lao động sang nước ngoài làm việc", ông Vương Đình Huy, cán bộ Phòng Lao động huyện Con Cuông cho biết.
Trên thực tế, nguốn vốn cho người dân đi xuất khẩu lao động ở các ngân hàng hiện nay không thiếu và có khá nhiều ngân hàng có chương trình vay vốn cho người đi lao động nước ngoài. Thế nhưng cũng có nhiều trường hợp rơi vào nợ xấu. Ở huyện Tương Dương, hiện ở Ngân hàng Chính sách đang có 13 trường hợp vay vốn đi xuất khẩu lao động từ năm 2007 và đến nay không có điều kiện trả nợ. Đây đều là những lao động đã đi làm việc ở Malaysia nhưng do khủng hoảng kinh tế nên phải về nước trước thời hạn. Hiện các trường hợp đều rơi vào hộ nghèo, không có tài sản nên việc trả nợ hầu như không thể thực hiện được. Ông Nguyễn Viết Nam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách của huyện cũng thừa nhận: Hiện chúng tôi chỉ cho vay không có tài sản thế chấp với những nguồn vay dưới 50 triệu và cho người dân trả nợ theo từng quý. Còn lại, với những khoản vay lớn cần phải thế chấp…
Theo tổng hợp của Ngân hàng Chính sách xã hội của tỉnh Nghệ An, hiện nay dù ngân hàng đang triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng với tổng nguồn vốn và dư nợ hơn 7.000 tỷ đồng nhưng số tiền cho vay xuất khẩu lại rất ít, chiếm tỷ lệ 0,63% với gần 45 tỷ đồng cho 632 người vay vốn. Trong số này, các địa phương triển khai hiệu quả như Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Quỳ Hợp thì tổng vay nợ cũng chỉ khoảng từ 3-5 tỷ đồng. Các huyện khó khăn đều rơi vào những huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu,…
"Việc vay vốn đi xuất khẩu lao động chưa kỳ vọng bởi việc quản lý nhà nước đối với các đơn vị tuyển dụng vẫn còn những bất cập nhất định và chưa được giám sát chặt chẽ nên sự rủi ro cao. Bên cạnh đó, tình hình lao động tại các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động những năm gần đây có dấu hiệu giảm sút mạnh do các công ty tuyển dụng gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động và chất lượng lao động địa phương còn nhiều hạn chế", ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An chia sẻ.
Để “gỡ” bí cho chương trình này, Ngân hàng Chính sách cũng đề nghị Bộ Lao động Thương bình và Xã hội cần có các giải pháp nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nữa các đơn vị tuyển dụng lao động, đảm bảo chấp hành nghiêm túc quy định của nhà nước cũng như thực hiện các cam kết với người lao động và các khoản phí trong tuyển dụng… nhất là tại các huyện nghèo. Về phía tỉnh và các địa phương cần sớm phối hợp, nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý hiệu quả hơn nữa đối với người lao động nhằm giảm thiểu thiệt thòi cho họ khi gặp rủi ro hoặc có tranh chấp phát sinh. Hiện tỉnh Nghệ An cũng đã đề nghị các Ngân hàng Thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt chính sách cho vay xuất khẩu lao động, đáp ứng nhu cầu vay vốn đi xuất khẩu của người lao động. Trong đó, ưu tiên đối với các đối tượng gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số.