Nghệ An: Loạt dự án chậm tiến độ, “đắp chiếu”, lãng phí lớn
Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 14 khóa XVIII, HĐND tỉnh Nghệ Annhiệm kỳ 2021 - 2026 vào chiều ngày 5/7, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến về các dự án chậm tiến độ, “đắp chiếu”, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực rất lớn của tỉnh. Dù việc quản lý, sử dụng ngân sách, các nguồn vốn Nhà nước khác đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, kết quả cho thấy, vẫn còn những ngành, lĩnh vực, đơn vị yếu kém, gây lãng phí lớn.
14 dự án nhà máy nước “đắp chiếu”
Nhấn mạnh huyện Nghi Lộc là địa bàn trọng điểm công nghiệp của tỉnh Nghệ An, đại biểu Nguyễn Công Văn (đơn vị Nghi Lộc) phát biểu, trong quản lý giám sát điều hành kinh tế, Nghệ An có nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực của tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Công Văn (đơn vị Nghi Lộc) phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 14 khóa XVIII tỉnh Nghệ An |
“Vừa qua, chúng tôi theo dõi HĐND có chuyên đề về chương trình giám sát các dự án chậm tiến độ. UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành cũng có một số giải pháp nhưng các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, thậm chí có những dự án kéo dài hàng chục năm rất nhiều, đắp chiều, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực của tỉnh nhà. Đơn cử về việc triển khai các dự án nhà máy nước. Theo số liệu thống kê, hiện nay Nghệ An có 14 dự án nhà máy nước đắp chiếu, trong khi đã đầu tư 318 tỷ đồng. Với tỉnh nghèo mà nguồn lực bị lãng phí như thế này thì cần phải suy nghĩ” - đại biểu Nguyễn Công Văn nhấn mạnh.
Cũng theo tại biểu Nguyễn Công Văn, nhiều cử tri tâm huyết gửi gắm, phản ánh với HĐNĐ về xử lý các dự án treo, mục đích chiếm dụng đất, chuyển đổi lòng vòng, thu lời chênh lệch chứ không triển khai. Nếu tỉnh Nghệ An quyết liệt khai thác được các dự án này hoạt động thì nguồn thu sẽ cao, công ăn việc làm của nhân dân nhiều hơn, đời sống nhân dân tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Công Văn cũng đề nghị UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam sớm triển khai dự án WHA mở rộng 354ha, khu vực Vissai mở rộng, đường cao tốc, đường ven biển. Đặc biệt, áp lực nhất là vấn đề ảnh hưởng môi trường sinh thái của một số dự án.
Đại biểu Nguyễn Công Văn đề nghị tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cần triển khai gấp dự án mương thoát nước ở Khu kinh tế WHA mở rộng và hệ thống kênh thoát nước đường N5 và Khu công nghiệp Nam Cấm sát địa bàn xã Nghi Xá.
Mặt khác, UBND tỉnh Nghệ An cần có giải pháp hiệu quả trước mắt và căn cơ lâu dài giải quyết những tồn tại ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, vì hiện nay rác đã quá tải, gây bức tử môi trường cho kênh Nhà Lê.
Loạt dự án chậm tiến độ, “đắp chiếu”, lãng phí lớn tại Nghệ An |
Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt - huyện Quỳnh Lưu cho rằng, tỉnh cần có chính sách để thu hút, ưu đãi, mời gọi các nhà đầu tư các dự án phục vụ cho sinh hoạt, môi trường sống của người dân như nhà máy xử lý rác thải, các dự án nhà máy cung ứng nước sạch phục vụ nhân dân, nâng mức thu phí rác thải sinh hoạt hộ gia đình phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Còn đại biểu Nguyễn Hồng Sơn - huyện Nam Đàn cho rằng, việc thực hiện các dự án chậm, nguyên nhân chính là giải phóng mặt bằng. Cụ thể như dự án Bara 2 xây dựng lâu rồi, còn 2 hợp phần chưa triển khai là lan can bảo vệ và đường 2 bên, thuộc phần vốn tỉnh đối ứng. Đại biểu Sơn đề nghị tỉnh bố trí vốn làm lan can đảm bảo an toàn cho người dân sinh hoạt.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cũng kiến nghị đề xuất giải phóng mặt bằng các dự án khó khăn. Đơn vị tư vấn nơi đi muốn hạ thấp xuống, nơi đến muốn nâng cao. Đến nơi ở mới tốt đẹp hơn, tiền giải phóng mặt bằng nơi đi và nơi đến phải cân bằng, đi ít tiền, không đủ nộp tiền đất ở nơi tái định cư.
Đặc biệt, dự án Plaza ngay trung tâm huyện Nam Đàn, sau 12 năm triển khai, Ngân hàng Đại dương đầu tư nhưng chưa có văn bản pháp lý, chưa giao đất, cử tri nhiều nhiệm kỳ đề xuất, huyện cũng đã đề xuất 2-3 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, hiện đang liên quan đến vụ án. Đề nghị các sở ban ngành cấp tỉnh làm việc với trung ương tháo gỡ, dự án sẽ cản bước đi trong khi Nam Đàn đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Người đứng đầu các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm chính
Tại phiên thảo luận tổ, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thông tin, tình hình kinh tế xã hội khó khăn, đây là khó khăn chung của cả nước. Việc sản xuất nhất là sản xuất liên quan đến xuất khẩu giảm ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng chung của tỉnh. Tăng trưởng 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây và thấp hơn kịch bản tăng trưởng đã đề ra.
Ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi thảo luận |
Tuy nhiên, thu hút đầu tư đạt được kết quả tích cực, trong đó thu hút FDI trong 6 tháng đạt hơn 725,4 triệu USD, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước, đây là nguồn lực cho tỉnh phát triển lâu dài. Đặc biệt, tỉnh đã vận động được hơn 600 tỷ đồng, dự kiến xây mới và sửa chữa khoảng 12.000 căn nhà, đến thời điểm này đã thực hiện xong trên 3.000 căn nhà cho hộ nghèo và hộ khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng, trước mắt cần tập trung thực hiện có hiệu quả và giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương còn nhiều vướng mắc, trong đó có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan nên cần được tập trung thực hiện quyết liệt hơn.
Trao đổi, làm rõ kiến nghị của các đại biểu, ông Nguyễn Đức Trung đồng tình với đánh giá, công tác cải cách hành chính có chuyển biến, chỉ số có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng mong muốn của người dân, doanh nghiệp, đâu đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật. Sắp tới, những vấn đề này sẽ được làm rõ và người đứng đầu các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong công tác này.
Về các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai là do lịch sử để lại, tỉnh đang rà soát, xử lý từng bước. Riêng đối với 14 dự án nhà máy nước "đắp chiếu", sắp tới tỉnh sẽ sử dụng một phần ngân sách để hỗ trợ các dự án tiếp tục triển khai và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện tỉnh đã triển khai dự án xây dựng mương thoát nước và sẽ sớm giải quyết vấn đề ngập nước tại Khu công nghiệp WHA mở rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung: Đâu đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật. Sắp tới, những vấn đề này sẽ được làm rõ và người đứng đầu các ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong công tác này. |