Ngày này năm xưa 27/7: Ngày Thương binh, liệt sĩ ra đời như thế nào?
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27/7.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra cuộc họp để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày trong năm làm ngày "Thương binh”. Sau khi xem xét, hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Tại đây, ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em thương binh toàn quốc. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hằng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.
Ngày 27/7 là dịp để toàn xã hội tri ân đến những gia đình có công và tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ. Ảnh Thu Hường |
Ngày 27/7/2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại ký và ban hành Quyết định 1032/204/QĐ-BTM ủy quyền Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Nông quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng tại tỉnh Đắc Nông.
Thành lập Ban Quản lý dự án Quy hoạch phát triển than vùng Hòn Gai |
Ngày 27/7/2001, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 37/2001/QĐ-BCN về việc thành lập Ban Quản lý dự án Quy hoạch phát triển than vùng Hòn Gai đến năm 2010 và dự báo đến năm 2020.
Ngày 27/7/1999, Bộ Công Nghiệp ban hành Quyết định số 45/1999/QĐ-BCN về việc chuyển Xí nghiệp May thuộc Công ty Dệt Vĩnh Phú thành Công ty Cổ phần may Vĩnh Phú.
Ngày 27/07/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2007/NĐ-CP quy định Danh mục doanh nghiệp không được đình công và việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở doanh nghiệp không được đình công.
Ngày 27/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 27/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1338/QĐ-TTg về việc cấp Bằng "Tổ quốc ghi công".
Sự kiện Quốc tế
Ngày 27/7/1990, Xô viết Tối cao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Belorussia tuyên bố Belarus độc lập từ Liên Xô.
Ngày 27/7/2012, khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2012 diễn ra vào 9 giờ tối tại thủ đô London, Vương quốc Anh.
Ngày 27/7/1953, Hoa Kỳ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ký kết Hiệp định đình chiến Triều Tiên, chiến tranh Triều Tiên kết thúc việc giao tranh. Tuy nhiên Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc từ chối ký Hiệp định này.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 27/7/1953, Báo Cứu Quốc, số 2378, đăng bài “Tự phê bình và phê bình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký bút danh Đ.X). Người chỉ rõ: Để nâng cao trình độ lý luận và chính trị, mỗi đảng viên cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dùng cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên. Về mặt tổ chức, Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Phải tiến hành xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó không chỉ là công việc của Đảng, của đảng viên mà là của toàn dân. Đảng viên phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Ngày 27/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm anh em “lính thợ” là những người Việt Nam sang châu Âu làm trong các công binh xưởng thời Chiến tranh thế giới lần thứ II, trong ngày, còn tiếp xúc với Thủ tướng Pháp Bidault và một số kiều bào đến chào.
Ngày 27/7/1947, Bác viết thư khen ngợi tấm gương bà Bá Huy hăng hái lập một trại an dưỡng cho thương binh. Thư có đoạn: “Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc. Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu:
“Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức
Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công” .
Ngày 27/7/1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp tướng Trần Canh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc trước khi bước vào Chiến dịch Biên giới.
Ngày 27/7/1952, Bác gửi điện tới Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhờ chuyển một tháng lương ủng hộ, nhắc nhở việc giúp đỡ thương binh “là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc “làm phúc”. Đồng thời cũng khuyên anh em thương binh “phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật...”.
Ngày 27/7/1963, dự Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ba xây, ba chống”, Bác phân tích ba tệ nạn phải chống: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội... Lãng phí… làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân... Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí... Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Ngày 27/7/1965, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và là phái viên của Tổng thống nước Cộng hòa Gana, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra thông điệp: “Chúng tôi muốn hòa bình nhưng đồng thời phải có độc lập… Chúng tôi không muốn làm nhục Mỹ, nếu Mỹ cũng trọng danh dự chính đáng của họ, nếu Mỹ tôn trọng ý nguyện của nhân dân Việt Nam, nếu Mỹ thi hành đúng Hiệp định Geneve thì chúng ta có hòa bình...”.