Bảo hiểm y tế: Phao cứu sinh cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS |
Mỗi năm có hơn 13.000 trường hợp nhiễm mới HIV
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tình hình dịch HIV từ năm 2020 đến nay đang có xu hướng gia tăng. Nếu giai đoạn từ năm 2017 - 2019, Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mỗi năm thì trong 2 năm qua, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV, nhưng mỗi năm vẫn có hơn 13.000 trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo.
Công tác phòng chống AIDS còn nhiều thách thức |
Đáng lưu ý, xu hướng dịch HIV đang thay đổi, từ lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu chuyển sang lây truyền HIV qua đường tình dục. Trong các trường hợp nhiễm mới HIV, có 85% là nam giới và gần 50% trong độ tuổi trẻ (16 - 29 tuổi).
PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - cho biết, tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 10/2022, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Gần 80% số người nhiễm HIV mới phát hiện trên toàn quốc chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (riêng TP. Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc).
Trong bối cảnh xu hướng gia tăng mới thì nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của nước ta vẫn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện quỹ Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả…
Hướng tới chiến lược quốc gia vào năm 2030
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95 là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.
Để đạt được mục tiêu, thời gian qua, có nhiều mô hình, sáng kiến về các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng triển khai để phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Những thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt của Việt Nam đã được lựa chọn để báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn quốc tế. Ước tính từ năm 2001 đến nay, việc triển khai các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS đã cứu được hơn 960.000 người không bị nhiễm HIV tại Việt Nam…
Tuy nhiên đến nay, kết quả đạt được 2 mục tiêu đầu lần lượt là 86% và 80%. “Điều này cho thấy, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn nhiều việc cần làm để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
2 năm qua, mặc dù cả nước phải đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể: Ngày 6/7/2021, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống ma túy cũng được Quốc hội ban hành đã tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh trong hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy.
Về phía Chính phủ, ngay từ năm 2020 đã ban hành Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Bộ Y tế cùng các địa phương đã triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Thực hiện mở rộng độ bao phủ và cung cấp các dịch vụ HIV có chất lượng. Thực hiện các giải pháp đảm bảo tính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS như huy động nguồn tài chính từ Quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách địa phương thông qua Đề án bảo đảm tài chính về phòng, chống HIV/AIDS tại từng tỉnh, thành phố.
Trước yêu cầu đặt ra, Việt Nam nỗ lực phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS. Định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch. Mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. |