Nước mắt trên đầm ngao
Mất khoảng hơn 1 giờ vượt qua cung đường đất yếu, lầy lội của bãi triều cạn chạy thẳng ra phía biển dài gần 2km, chiếc xe máy của phóng viên mới ra được đến vị trí nuôi ngao gần nhất của người dân xã Quảng Minh.
Tiết trời u ám nhưng phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi vẫn thấy rõ những thân ngao tách đôi phơi lớp vỏ bên trong trắng sáng, nằm trải rộng trên những mảnh đầm được phân định bằng đường lưới vây. 10 đầm trắng xóa, 20 đầm trắng xóa… và không đếm xuể những đầm ngao chết do kéo dài ra phía chân trời. Ngao chết bốc lên mùi khó chịu tỏa rộng, nhưng những người dân vẫn chung tay cùng nhau đến từng đầm thu dọn vỏ ngao để cải tạo đầm.
“Đối với những hộ có ngao chết, cần khẩn trương vệ sinh khu vực nuôi; tích cực vớt ngao chết ra khỏi khu vực nuôi càng xa càng tốt. Tuyệt đối không đổ ngao chết ra vùng cửa sông; tích cực cày xới, phơi bãi và không thả giống sau thời gian tối thiểu 3 - 4 tháng để khôi phục và ổn định môi trường. Đặc biệt, người nuôi ngao trên địa bàn tỉnh cần tuân thủ về mặt kỹ thuật, không thả với mật độ quá cao; thả giống đã qua kiểm dịch và có ý thức cộng đồng trong khu vực nuôi” - ông Nguyễn Văn Công - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh - nói.
“Hôm nay đường ra nơi nuôi trồng ngao nhanh hơn bình thường nửa tiếng là do đường đi được trải thảm bằng hàng trăm tấn vỏ ngao chết được người dân lấy nhặt từ đầm nuôi của mình ra đổ nên tránh được bị trơn trượt” - đó là nhưng lời chua xót của ông Bùi Văn Toàn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Quảng Minh.
Ông Toàn cho biết: Hiện tượng ngao chết xuất hiện từ tháng 10/2015 kéo dài đến nay, toàn bộ diện tích nuôi trồng ngao của xã Quảng Minh rộng gần 200ha giờ đã mất trắng.
Nghe hỏi “gia đình chị thiệt hại lớn không”- chị Vũ Thị Thạch sụt sùi: “Nhà báo nhìn vào đầm là hiểu thôi. Ngao chết kéo dài nên vài tháng nay, ngày nào tôi cũng ra đầm vớt vỏ ngao nhưng vẫn không hết. Toàn bộ tài sản kèm vay mượn đổ hết xuống đầm, giờ trở thành đầm chết, tôi không biết lấy gì cho cuộc sống ngày mai”.
Ngao chết do phó mặc cho tự nhiên
Qua tìm hiểu của phóng viên, các hộ nuôi ngao tự mua con giống kích cỡ khoảng 500 - 600 con/kg, chủ yếu từ Nam Định về thả, nên không được kiểm dịch, không được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm phải công bố dịch trước khi thả nuôi. Mật độ thả nuôi trong các đầm khá dày là trên 500 con/m2. Hiện tượng ngao chết rải rác khởi phát từ xã Quảng Minh vào khoảng tháng 10.2015 rồi lan sang các xã Quảng Điền và Phú Hải. Ngao chết rải rác từ các hộ nuôi vùng thấp triều (gần biển) đến các hộ nuôi cao triều (gần đất liền).
Khi ngao chết người dân không thu dọn vỏ, vệ sinh vùng nuôi dẫn đến vùng nuôi bị ô nhiễm.
Theo thông kê của Phòng NNPTNT Hải Hà, ở 3 xã Quảng Minh, Quảng Điền và Phú Hải diện tích nuôi nhuyễn thể là 416ha. Hiện chỉ có vùng nuôi của xã Quảng Minh nằm trong vùng quy hoạch nuôi nhuyễn thể của huyện với tổng số 84 hộ nuôi, diện tích 176ha. Xã Quảng Điền có 30 hộ nuôi tự phát với diện tích 40ha, xã Phú Hải có diện tích nuôi lớn nhất 200ha nhưng chưa thống kê được số hộ nuôi. Đầu năm 2016, Phòng NNPTNT Hải Hà đã thống kê được diện tích và khối lượng nuôi ngao ước tính thiệt hại từ 50 - 60%. Ngoài nguyên nhân thời tiết rét nên ngao bị yếu, khả năng đào chỗ trú ẩn kém và nuôi quá tuổi không thu hoạch kịp cũng làm ngao chết. Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y cho biết thì ngao chết do nhiễm bệnh ký sinh trùng Perkinsus và vi khuẩn Vibrio.