Ngành Hải quan: Cắt giảm quy định chồng chéo
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao hiệu quả của hoạt động hải quan và đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều điểm vướng. Do đó, việc bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hai nghị định trên là mục tiêu số 1 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Mai Xuân Thành - cho biết, đợt sửa lần này dựa trên nền tảng hệ thống luật hiện hành để tạo ra môi trường pháp lý cụ thể hướng tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).
“Tổng cục Hải quan sẽ rà soát những chính sách không mang lại thuận lợi cho DN thì tháo gỡ, tạo nền tảng cho phát triển sản xuất, kinh doanh” - ông Thành nhấn mạnh và đề nghị DN nói lên những ý kiến của mình về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan cũng như những vấn đề liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa.
Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan đánh giá, trong bối cảnh tham gia ký kết một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đòi hỏi Việt Nam phải kiện toàn hơn bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở pháp lý, theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, phù hợp với các thỏa thuận và cam kết.
Cần triển khai các giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa |
Theo Tổng cục Hải quan, việc sửa đổi chính sách lần này nhằm xử lý những vấn đề vướng mắc đã bộc lộ không còn phù hợp với thực tế công tác quản lý hiện nay hoặc chồng chéo với các quy định mới được ban hành như: Quy định về khai và nộp hồ sơ hải quan, quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan, quản lý DN ưu tiên, công tác kiểm tra, xác định trị giá hải quan, các quy định liên quan đến Cơ chế một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành…
Sửa đổi, bổ sung Nghị định để phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, như: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc; Hợp đồng Đăng cai tổ chức giải đua xe F1 giữa Công ty Formula One World Championship Limited và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội… Củng cố cơ sở pháp lý về thông tin hải quan, trị giá hải quan, thẩm quyền xử lý, thực thi công vụ của cơ quan hải quan trong các hoạt động kiểm tra sau thông quan và điều tra chống buôn lậu; nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
Đồng thời, việc sửa đổi Nghị định cũng đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Theo công bố kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business 2020 - DB2020 của Ngân hàng thế giới công bố tháng 10/2019, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc xếp hạng chung, do đó, đặt ra yêu cầu cần triển khai các giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN, cải cách toàn diện thủ tục kiểm tra chuyên ngành. |